Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động hậu Covid – 19
(LĐXH) – Trong nhóm 12 chính sách hỗ trợ, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tác động trực tiếp đến người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất. Đây có thể coi là “phao cứu sinh” giúp các bên ổn định và phát triển trong và sau đại dịch…
Từ cuối tháng 4/2021 làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và thu nhập của người lao động với 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Để ứng phó với tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất kinh doanh, thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ làm luân phiên.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, về việc hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định cụ thể:
Đối tượng và điều kiện hưởng:
- Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm có đủ các điều kiện:
(1). Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
(2). Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.
(3). Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
(4). Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng phương án và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
- Người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Mức, thời gian hỗ trợ và kinh phí dự kiến:
- Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng.Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.
- Tổng kinh phí dự kiến: 4.500 tỷ
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tác động lớn đến doanh nghiệp, người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP được ban hành, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thành lập tổ triển khai thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đồng thời cử bộ phận thường trực để theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và chủ động ra các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương, cơ sở triển khai thực hiện… Trong thời gian qua, tất cả các địa phương đã báo cáo, cập nhật số liệu về Tổng Cục GDNN, trong đó đã triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp về chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động. Nhiều địa phương đã thành lập các Tổ công tác đi rà soát, nắm nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp…
Một số khó khăn và giải pháp
Do tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” nên chưa làm hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo. Một số địa phương đã quay lại sản xuất thì doanh nghiệp tập trung cho việc sản xuất, trả các đơn hàng tồn đọng nên chưa có điều kiện tham gia, một số do đã khôi phục sản xuất nhưng thiếu lao động (do di chuyển giữa các tỉnh khó khăn) hoặc trong quá trình xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định…
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động, trong thời gian tới, Tổng cục GDNN tiếp tục rà soát, hỗ trợ các địa phương, cơ sở đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo theo quy định của chính sách hỗ trợ; tiếp tục làm việc với các hội, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty để hỗ trợ xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng... Đặc biệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương là rất quan trọng. Đặc biệt là vai trò của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ sở GDNN cần được phát huy hơn nữa đồng thời phải tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:
Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động;
- Phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm tỉnh cung cấp danh sách doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để thuận lợi trong việc rà soát nhu cầu đào tạo và phối hợp xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan (Tổng liên đoàn lao động tỉnh, VCCI, các Ban quản lý, khu kinh tế, khu công nghiệp…) hướng dẫn chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.
- Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo; đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt phương án đào tạo khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ và giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người sử dụng lao động, thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao đông, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 777/QĐ-LĐTBXH ngày 09/7/2021 của Bộ LĐTBXH công bố thủ tục hành chính mới ban hành liên quan đến thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19.
Không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục, hồ sơ nào ngoài danh mục hồ sơ đã được quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các nội dung đã báo cáo.
Đối với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp
- Thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và bộ Cẩm nang hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.
- Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mà cơ sở đã liên kế hợp tác trong thời gian qua để rà soát nhu cầu, xây dựng phương án hô trợ đào tạo.
- Xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp trên địa bàn và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00