Chuyển tuyến KCB giữa các cơ sở y tế trong và ngoài Quân đội
(LĐXH) - Chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) là quá trình chuyển bệnh nhân từ tuyến KCB không đủ nguồn lực (cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế và khả năng chuyên môn) đến cơ sở KCB tuyến trên hoặc cơ sở KCB tương đương có đủ nguồn lực để kiểm soát tình trạng lâm sàng của người bệnh hoặc chuyển bệnh nhân từ tuyến trên về tuyến dưới sau khi đã kiểm soát được tình trạng lâm sàng, nhằm giảm tải, giảm chi phí cho người bệnh. Thực hiện chuyển tuyến hợp lý sẽ giúp việc chẩn đoán, điều trị tốt hơn.
Nhiệm vụ chuyển tuyến người bệnh là việc làm được thực hiện thường xuyên, diễn ra hàng ngày tại các cơ sở KCB. Tuy nhiên, một số cơ sở KCB chưa nắm chắc các văn bản quy định hiện hành về chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB quân y với dân y và giữa các cơ sở KCB quân y với nhau, dẫn tới việc chuyển tuyến còn hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của người bệnh. Để việc chuyển tuyến được thuận lợi, bảo đảm đầy đủ quyền lợi KCB BHYT của người bệnh đặc biệt là quân nhân, quá trình chuyển tuyến được hướng dẫn tại các Điều 4, 5, 6, 7 Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB.
- Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1, khi đáp ứng các điều kiện: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB tuyến dưới hoặc do điều kiện khách quan, cơ sở KCB tuyến dưới không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Khi tuyến trên liền kề không đáp ứng đủ điều kiện năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật, các cơ sở KCB tuyến dưới có thể chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến cao hơn không theo trình tự trên. Ví dụ: tuyến xã có thể chuyển lên tuyến tỉnh không qua tuyến huyện, tuyến huyện có thể chuyển lên tuyến Trung ương bỏ qua tuyến tỉnh. Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở KCB tuyến 4).
- Chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới: Khi người bệnh đã được chẩn đoán, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.
- Chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB trong cùng tuyến: Bệnh không phù hợp với danh mục kỹ thuật cơ sở KCB đó được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc phù hợp nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở KCB không đủ điều kiện chẩn đoán, điều trị. Bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB cùng tuyến dự kiến chuyển đến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB trên các địa bàn giáp ranh: Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Ngoài những trường hợp nêu trên, các trường hợp chuyển tuyến khác đều là chuyển vượt tuyến. Nếu người bệnh không đáp ứng các điều kiện trên nhưng vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì được giải quyết chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở KCB của người bệnh. Đồng thời, khi chuyển tuyến, cơ sở KCB phải cung cấp thông tin để người bệnh được biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí KCB BHYT khi KCB không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Khi chuyển tuyến lên tuyến trên hoặc cùng tuyến, thủ tục chuyển tuyến được quy định: Bước 1, cơ sở KCB thông báo và giải thích lý do chuyển tuyến cho người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh. Bước 2, người có thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến. Lưu ý: Trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở KCB cần liên hệ với cơ sở KCB dự kiến chuyển người bệnh đến, kiểm tra lần cuối cùng tình trạng của người bệnh trước khi chuyển; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển. Trường hợp người bệnh cần sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ sở KCB dự kiến chuyển người bệnh đến thì nơi chuyển đi phải thông báo cụ thể về tình trạng người bệnh và yêu cầu hỗ trợ để có biện pháp xử lý phù hợp. Bước 3, giao giấy chuyển tuyến cho người hộ tống hoặc người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh để chuyển đến cơ sở KCB dự kiến chuyển bệnh nhân đến. Bước 4, bàn giao người bệnh, giấy chuyển tuyến cho cơ sở KCB nơi chuyển đến. Trường hợp chuyển người bệnh về tuyến dưới thì thực hiện theo các bước nêu trên.
Chuyển tuyến KCB BHYT đối với các cơ sở KCB trong hệ thống Ngành quân y, được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 46/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ngày 01/4/2016 quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật KCB; đăng ký và chuyển tuyến KCB đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Ngoài nội dung hướng dẫn chuyển tuyến như trên, Điều 9 của Thông tư còn hướng dẫn các cơ sở KCB quân y được đăng ký KCB vượt tuyến: Từ tuyến 4 đăng ký với tuyến 2 hoặc tuyến 1; tuyến 3 đăng ký với tuyến 1 để chuyển tuyến thuận lợi, bảo đảm kịp thời quyền lợi KCB BHYT cho quân nhân và các đối tượng khác.
Chuyển tuyến KCB là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mang tính đặc thù, các cơ sở KCB cần quan tâm hơn nữa, nghiên cứu, tổ chức hướng dẫn cho nhân viên chuyên môn thực hiện chuyển tuyến đúng quy định, thuận lợi cho người bệnh. Thực hiện chuyển tuyến KCB hợp lý không những bảo đảm đầy đủ quyền lợi KCB BHYT của bệnh nhân mà còn giúp các cơ sở KCB hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Trịnh An
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08