Giáo dục - Nghề nghiệp
Có bằng đại học quay lại học cao đẳng
04:01 PM 10/10/2024
(LĐXH) - Sở hữu tấm bằng ĐH ngành Ngôn ngữ Anh, IELTS 6,5 và ngoại ngữ phụ tiếng Trung (điều kiện tốt nghiệp) đã mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng bạn Đinh Thị Trâm (quê Châu Đốc, An Giang) lại chọn một con đường khác là quay lại học CĐ.

Đinh Thị Trâm - tân sinh viên Trường CĐ Kỹ Nghệ II khi đã có bằng đại học

Vừa tốt nghiệp ĐH An Giang, Đinh Thị Trâm liền nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Dược của Trường CĐ Kỹ Nghệ II (khóa C24) với kỳ vọng có thêm kiến thức và kỹ năng thực hành để chăm sóc sức khỏe người thân cũng như hỗ trợ công việc của gia đình.

Trâm nhớ lại, thời gian chuẩn bị tốt nghiệp ĐH có nguyện vọng học ĐH văn bằng 2. Đây cũng là gợi ý của gia đình nhưng lại nghĩ nếu học ĐH thì phải mất thời gian khá dài nên ưu tiên chọn CĐ.

“Còn trẻ, có thời gian thì tranh thủ học những gì mình thích, học để hành, để có kiến thức bổ trợ cho công việc của mình sau này”, tân sinh viên Trường CĐ Kỹ Nghệ II định hướng.

Có nhiều thông tin tham khảo chọn trường để học cao đẳng Dược nhưng Trâm quyết định nộp hồ sơ vào trường CĐ Kỹ Nghệ II bởi người thân đánh giá cao kiến thức và kỹ năng của sinh viên trường này.

Trâm chia sẻ: “Cô ruột là chủ chuỗi nhà thuốc Tây uy tín trên địa bàn TP.Thủ Đức, hàng năm có nhận sinh viên các trường đến thực tập. Cô khẳng định các bạn đến từ trường CĐ Kỹ Nghệ II vững kiến thức dược lý hơn sinh viên các trường có đào tạo ngành dược. Đây là thông tin đáng tin cậy để em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường”.  

Nữ sinh viên quan niệm, học CĐ-ĐH không quan trọng mà hơn hết là thái độ học tập của chính mình. Sở dĩ từ đầu chọn ngành Ngôn ngữ Anh vì được hun đúc từ gia đình, cụ thể cha mẹ cũng là cử nhân ngành này và đang làm công việc dịch thuật.

Nhiều lý do thôi thúc phải học ngành Dược nhưng trước hết nguyện vọng đó được nhen nhóm khi Trâm tiếp cận với công việc dịch thuật. Theo em, nhu cầu sang nước ngoài khám chữa bệnh ngày càng tăng, đòi hỏi hồ sơ dịch thuật phải chuẩn xác về tình trạng bệnh lý. Ngoài kiến thức dược lý, học Dược để hiểu và nắm chắc thuật ngữ y khoa. Kế đến, qua biến cố dịch Covid-19, bản thân cũng đau đáu về thực trạng thiếu nhân viên y tế, thiếu thuốc men để điều trị; Thêm nữa là nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia đình… Học Dược để mong được đóng góp chút gì đó cho xã hội, cho gia đình mình.

Hiện tại, ngoài giờ học, Trâm còn học việc ở tiệm thuốc Tây, đồng thời nhận dịch thuật bán thời gian. Dù thu nhập không cao nhưng với em đó là sự trải nghiệm thú vị để học hỏi, để hiểu mình, hiểu nghề và chia sẻ phần nào kinh tế gia đình.

“Có thời gian, kinh tế thì ưu tiên cho việc học, nhất là học những ngành khó. Bản thân cũng nghĩ đến chuyện gánh vác, chia sẻ với gia đình nhưng may mắn được gia đình động viên, ủng hộ việc học. Đây cũng là động lực để mình phấn đấu học tập”, Trâm bộc bạch.

Từ trải nghiệm bản thân, Trâm đúc kết: Có thể do chọn sai ngành, không phù hợp với năng lực, sở thích và kinh tế nên không ít bạn gặp phải khó khăn trong học tập. Điều này không chỉ mất thời gian, mất cơ hội mà còn tốn kém một khoản chi phí quá lớn. “Cứ chọn nghề theo đam mê, sở thích cũng như khả năng kinh tế gia đình, nếu quyết tâm cộng với sự đồng hành của thầy cô thì sẽ đạt được những gì mình mong muốn. Học trường nào, ngành gì thì bản thân cũng phải cố gắng, tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình”, Trâm đưa ra lời khuyên.

Gác tấm bằng ĐH quay lại học CĐ bởi nhiều nguyên nhân như: không có việc làm; nhu cầu thay đổi công việc; học phí quá cao; chọn ngành quá sức… là chuyện không mới. Với Đinh Thị Trâm, có bằng ĐH với nhiều cơ hội việc làm nhưng vẫn chọn học CĐ là tấm gương đáng được tuyên dương trong hành trình tìm kiếm tri thức. Bạn đang lan tỏa suy nghĩ tích cực, phần nào giúp phụ huynh và học sinh có cái nhìn thấu đáo và hiểu hơn về giá trị của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội.

Trần Tri