Xã hội
Từ nghi án hành hung trẻ em ở Hải Phòng: Cần có hướng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bạo hành, xâm hại trẻ em
03:32 PM 04/04/2018
(LĐXH)- Việc bạo hành, hành hung trẻ em gây ảnh hưởng lớn không chỉ tới sức khỏe, tinh thần của trẻ mà còn gây bức xúc trong dư luận. Liên quan đến vụ việc trẻ em ở Hải Phòng bị giang hồ đánh đến dạn xương quai hàm và chấn động não đang trong thời gian điều tra, Tạp chí Lao động và Xã hội có một số thông tin thêm về vụ việc...
Nổ súng bắn người từ mâu thuẫn của 2 đứa trẻ
Theo lời kể của gia đình cháu Nguyễn Trung Thành (sinh năm 2007) nhà ở  ngõ Lạc Xuân Đài, Lạc Viên, Ngô quyền (thành phố Hải Phòng): Khoảng 17 giờ ngày 28/3/2018, sau khi tan học, cháu Nguyễn Trung Thành và cháu Đức Anh (sinh năm 2007) rủ nhau ra sân máy tơ Ngô Quyền đá bóng. Trong khi đá bóng đã xảy ra sô sát đánh nhau, cháu Đức Anh chạy về mách anh trai tên là Vân (sinh năm 1992) ở số 1/81 Lạc Xuân Đài, Lạc Viên (Hải Phòng). Sau đó, Vân bảo Đức Anh lên xe rồi chở ra sân bóng xem thằng nào dám đánh em. Đến nơi, Vân gặp cháu Thành đang chơi ở đấy nên đã dựng xe máy, đi về phía Thành túm giữ lại, hỏi và chửi sao đánh nhau với Đức Anh. Cứ hỏi một câu, thì Vân lại tát Trung Thành một cái và tát khoảng 20 cái mới dừng tay rồi chở Đức Anh về.
Hòa giải không thành, giang hồ mang súng đến giải quyết mâu thuẫn
Sau khi bị người lớn đánh, cháu Nguyễn Trung Thành rất hoảng sợ, khóc kêu đau và nhờ mấy bạn ở sân bóng chạy đi gọi mẹ là bà Trần Thị Thu Hồng đến. Vì sợ Vân quay lại đánh tiếp, Thành vừa nói, vừa khóc thì các cháu cùng chơi ở sân bóng và người dân xung quanh chứng kiến đã nói lại sự việc xảy ra cho mẹ cháu Thành nghe. Nhìn thấy mặt cháu Thành có nhiều vết đỏ sưng tấy, nên mọi người đưa cháu Thành đi đến Bệnh viện nhi ở quận Kiến An (Hải phòng). Kết quả khám nghiệm ban đầu, các bác sĩ kết luận cháu Nguyễn Trung Thành bị mờ mắt, ù tai, chóng mặt, bị dạn xương quai hàm và chấn động não.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, mẹ của cháu Đức Anh (tên Yến) gọi điện muốn gặp gia đình cháu Nguyễn Thành Trung và nói chuyện, nhưng do người nhà đang đưa cháu thành đi khám ở bệnh nên chưa gặp được. Đến 22 giờ, Vân gọi điện vào số máy anh Nguyễn Hữu Dũng (là bố đẻ của Thành) và thanh ninh là không đánh em Thành, mà chỉ ấn đầu, sờ má cháu, sau đó tiếp tục gọi nhiều cuộc điện nhưng anh Dũng không nghe máy. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày hôm sau (29/3), mẹ và dì của cháu Đức Anh vào bệnh viện gặp gia đình cháu Nguyễn Trung Thành để hòa giải, song phía gia đình cháu Thành không đồng ý với cách ứng xử đó và mong muốn giải quyết có sự chứng kiến, vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền.
Đến khoảng hơn 12 giờ ngày 29/3, Vân dẫn theo nhóm bạn gồm 7 người tìm đến nhà bà Trần Thị Thu Hà (45 tuổi) ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) là chị gái của mẹ cháu Nguyễn Trung Thành, với mục đích tìm gặp anh Tùng (con trai bà Hà) để nói chuyện về sự việc xảy ra với cháu Thành vì Tùng và Vân học chung lớp hồi THCS. Do không gặp được Tùng, Vân xin bà Hà số điện thoại để gọi Tùng về nói chuyện. Nghĩ là bạn học cùng lớp với con, trước đây thỉnh thoảng lại đến nhà ăn cơm và nói là bị mất số điện thoại nên bà Hà đưa số điện thoại của con trai cho Thịnh và gọi bảo đang đứng trước cửa nhà, bạn về ngay tôi có tí việc.
Do đang trên đường đi làm về, khoảng 15 phút sau, anh Tùng mới đến nhà. Dừng xe trước nhà, Tùng thấy 7 thanh niên đứng vây quanh mẹ và nói to tiếng nên Tùng hỏi Vân đến làm gì đông thế? Tùng vừa dứt câu, một thanh niên mặc áo hoa trong nhóm Vân (sau này mới biết có tên facebook là Long Vũ), nhà trong ngõ cấm Ngô Quyền (Hải phòng) rút súng ra chĩa thẳng vào anh Tùng bóp cò. Bố anh Tùng thấy vậy sông ra giằng co, nhưng vì nhóm của Vân đông nên không thể chống cự lại được. Bà Hà nhanh chân chạy đẩy Tùng ra thì bị bắn thẳng vào người, do mất rất nhiều máu nên bà Hà ngất ngay tại chỗ. Sau đó, một thanh niên khác lấy súng của Long Vũ bắn liên tiếp nhiều phát đạn nữa và một người đeo túi đứng phía sau rút tiếp khẩu súng uy hiếp gia đình anh Tùng để cho đồng bọn chạy trốn.
Bà Trần Thị Thu Hà nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng)
Ngày 29/3, Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) xác nhận là tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Thu Hà trong tình trạng bị thương ở vùng đùi, chảy máu cấp, dị vật nghi là đầu đạn đã làm tổn thương dây thần kinh vùng đùi. Chiều 2/4, Công an thành phố Hải Phòng đã xác định được 3/7 nghi can trong vụ nổ súng trên, các đối tượng là: Hoàng Ngọc Vân (26 tuổi), Vũ Tuấn Long (25 tuổi) và Hoàng Anh Mỹ (25 tuổi) cùng ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Công an đang tiếp tục điều tra và truy bắt những người có liên quan đến vụ việc.
Kiên quyết xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em
Theo số liệu từ Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện. Đường dây nóng số 18001567 của Bộ Lđao động – TBXH, mỗi năm nhận được khoảng 300.000 cuộc gọi đến để đề nghị tư vấn, xử lý những vấn đề liên quan tới trẻ em. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, chúng ta cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành trẻ em; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bạo hành, xâm hại trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - TBXH) cho biết, chỉ tính từ ngày 26/3 đến 4/4/2018, đơn vị đã tiếp nhận thông tin nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực qua phản ánh của báo chí và người dân, đặc biệt có vụ việc nghiêm trọng như cháu bé bị tử vong nghi do “người tình” của mẹ đánh đập. Các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em được ban hành, đặc biệt là Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Từ việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến việc hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên so với thời gian trước đây do ý thức của người dân đang dần được nâng cao trong việc thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Khi vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc, kịp thời chỉ đạo và phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn để hỗ trợ, can thiệp đối với nạn nhân trẻ em cũng như xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật.
Việc bị bạo hành, hành hung trẻ em nói chung, nghi án giang hồ hành hung, đánh đập trẻ em ở thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ tới sức khỏe mà còn cả tinh thần của trẻ. Bên cạnh việc gây ra những thương tích, thậm chí là dẫn tới tật nguyền cho trẻ, nó còn có cả yếu tố lăng mạ về tinh thần, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác đến mức gây ra những chứng bệnh về thần kinh, tự kỷ… 
Các đối tượng nghi vấn dùng súng giải quyết mẫu thuẫn từ vụ việc của 2 đứa trẻ (ảnh facebook)
Từ sự việc mâu thuẫn của 2 đứa trẻ dẫn đến việc giải quyết bằng súng ở Hải Phòng, mong rằng các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em. Chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em; thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em cho gia đình, cộng đồng; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em. Đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng, người dân quan tâm.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em cần chủ động thông tin, kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất, nổi cộm, phức tạp để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. Tăng cường năng lực cho các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để giải quyết các mối quan hệ trong gia đình, hỗ trợ phát triển kinh tế nâng cao mức sống, tạo điều kiện bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thực hiện các quyền của trẻ em, giảm tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Ưu tiên giải quyết, xử lý nghiêm minh các vụ xâm hại trẻ em; rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý các hoạt động liên quan đến trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, quản lý, giám sát đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

PV

Từ khóa: