Công bố tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái
Ngày 17/01/2023- Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) tổ chức Họp báo công bố “Tiêu chuẩn về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc BVTV phòng, chống sinh vật gây hại (SVGH) cây trồng bằng thiết bị bay không người lái (UAV)”.
Họp báo có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm thuốc BVTV, các đơn vị cung cấp thiết bị drone, các hiệp hội thuốc BVTV, các công ty đa quốc gia nghiên cứu và phát triển giải pháp BVTV cùng các phóng viên và cơ quan báo chí trong nước.
Tại họp báo, đại diện Cục BVTV đã giới thiệu quá trình xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) và nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong hướng dẫn khảo nghiệm thuốc BVTV phun bằng UAV bao gồm, phạm vi áp dụng, yêu cầu cơ bản về an toàn sử dụng UAV, bố trí, thiết kế và điều tra thí nghiệm trên đồng ruộng đối với khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học, thời gian cách ly…
TCCS lần này có thể coi là văn bản đầu tiên hướng dẫn đăng ký và triển khai việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV hay Drone) trong lĩnh vực nông nghiệp và BVTV. Đây cũng là cơ sở pháp lý chính thức cho việc đăng ký các sản phẩm thuốc BVTV sử dụng trên Drone/UAV đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng và áp dụng rộng rãi các công nghệ phun mới tại Việt Nam nâng cao mức độ hiệu quả, an toàn cho người sử dụng và chất lượng nông sản.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin tại buổi họp báo Việc ban hành TCCS cũng dựa trên kết quả của việc tiến hành các mô hình thử nghiệm, qua trình nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng cũng như tham vấn với nhiều bên có liên quan. Trong 2 năm 2021-2022, Cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp cùng các tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm, các đơn vị cung cấp thiết bị bay trong nước, các công ty thành viên của CropLife Việt Nam và một số công ty thuộc Hiệp hội VIPA tiến hành một số các mô hình thử nghiệm phun thuốc bằng Drone.
Việc thử nghiệm này được tiến hành trên 7 nhóm cây trồng chính với 8 dạng thuốc BVTV để phòng trừ 15 loại sinh vật gây hại tại nhiều địa bàn sản xuất nông nghiệp khác nhau trên cả nước. Kết quả cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ bay không người lái để phun thuốc BVTV phòng trừ một số dịch hại là rất lớn, đặc biệt trên các cây trồng như lúa, ngô, cây ăn quả với mức độ phòng trừ tương đương hoặc cao hơn so với phun thông thường. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ Drone/UAV cũng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước thuốc sử dụng và công lao động. Nông dân tham gia khảo nghiệm nghiệm cũng ghi nhận rằng họ tiếp xúc với thuốc BVTV ít hơn so với phun thông thường.
Dựa trên kết quả khảo nghiệm, Cục BVTV đã tiến hành xây dựng dự thảo TCCS về khảo nghiệm thuốc BVTV bằng UAV. Nhiều cuộc họp cũng như hội thảo đã được tổ chức trong năm 2022 vừa qua để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, các Hiệp hội, các chuyên gia quốc tế. TCCS đã được chỉnh sửa dựa trên điều kiện thực tế tại Việt Nam và hoàn thiện vào tháng 10 năm 2022 để trình duyệt và công bố vào đầu năm 2023.
Quang cảnh buổi họp báo Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái vào nông nghiệp là xu hướng hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Goldman Sachs, nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng drone lớn thứ 2 trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, số lượng drone sử dụng trong nông nghiệp ước tính trong giai đoạn 2016 – 2017 là khoảng 13.000 thiết bị bay; tới năm 2021 con số này đã lên hơn 160.000 (tăng hơn 10 lần) với tổng diện tích ứng dụng ước tính là gần 87 triệu ha. Sự thay đổi này còn được thúc đẩy nhanh chóng bởi các nước trong khu vực Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - những nơi mà việc sử dụng drone đã mang lại nhiều cơ hội tiềm năng trong việc giải quyết các áp lực gia tăng về an ninh lương thực do tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, xu hướng già hoá dân số và quá trình đô thị hoá nhanh chóng.
Cụ thể, trong lĩnh vực BVTV, ứng dụng drone để phun thuốc BVTV đang trở nên ngày càng phổ biến nhờ những ưu điểm nổi bật về hiệu quả, độ chính xác, tiết kiệm chi phí công lao động, giảm lượng nước thuốc sử dụng, công suất cao, bảo vệ sức khỏe cho nông dân khi tiếp xúc với thuốc BVTV.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, tiêu chuẩn được công bố mặc dù là tiêu chuẩn cơ sở nhưng mang tính chất ngành, tính chất áp dụng bước chuyển đổi trong phương thức sản xuất, từng bước đưa chuyển đổi số, tiến bộ KHKT vào trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực BVTV nói riêng; đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay của các địa phương, đáp ứng chủ trương định hướng của ngành nông nghiệp, Chính phủ trong các chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đưa nông nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh, xanh sạch, sinh thái...
Bà Đào Thu Vinh, đại diện CropLife Việt Nam đề nghị trong thời gian tới Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục xây dựng và hướng dẫn vận hành quy trình chuẩn SOP để bà con nông dân có thể tiếp cận được công nghệ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm hơn để hướng tới không chỉ là một nền nông nghiệp hiện đại mà là nền nông nghiệp có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) chia sẻ: Việc Cục BVTV công bố tiêu chuẩn về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc BVTV phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái là một tin vui, quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp là thành viên của Hội, mà còn góp phần không nhỏ tháo gỡ được nhiều băn khoăn, vướng mắc cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có liên quan khác... trong việc áp dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất một cách hiệu quả, đúng quy định ./.
Thảo Lan