Giáo dục - Nghề nghiệp
Công tác đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số ở Bắc Quang
10:16 AM 09/10/2023
(LĐXH)- Nhiều năm qua, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang) đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là người lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bắc Quang có trên 124.500 nhân khẩu, có khoảng hơn 70 nghìn người đang trong độ tuổi lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm 61% dân số toàn huyện, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%. Là huyện có nhiều tiềm năng của tỉnh Hà Giang, nhưng do xuất phát điểm thấp, nhận thức về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường chưa đồng đều.
Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có sự chuyển biến về nhận thức, tư duy để phát triển kinh tế nhưng đầu tư chưa hiệu quả, chưa mang tính bền vững, chỉ phát triển tạm thời nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chính vì vậy, nhận thức được tầm quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động phổ thông cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng, giúp người dân tộc thiểu số nhận thức được rõ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phát triển kinh tế hàng hóa, vươn lên làm giàu chính đáng, huyện Bắc Quang đã tập trung triển khai các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động dân tộc thiểu số, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Thực hành kỹ thuật lớp chăn nuôi gia súc của đồng bào Mông thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản của huyện Bắc Quang

Theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện Bắc Quang sẽ liên kết với các co sở giáo dục nghề nghiệp mở 63 lớp dạy nghề với 2.205 học viên là lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là những lớp học nghề được đào tạo theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với các nghề chủ yếu là nuôi và cung ứng các sản phẩm từ trâu, bò, ngựa, nuôi cá nước ngọt; trồng và chế biến dược liệu, cung ứng sản phẩm Vietgap; sản xuất nông lâm quy mô nhỏ; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, trâu, bò, trồng và chế biến chè, trồng lúa chất lượng cao, đào tạo nghề phi nông nghiệp; xây dựng điện dân dụng, lắp đặt sửa chữa dân dụng; may, đan lát thủ công, chế biến món ăn...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2023, huyện Bắc Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chủ động liên kết, đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số; tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động tại địa phương đi làm; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế thu hút đầu tư trên địa bàn.
Theo báo cáo từ Phòng Lao động và Thương binh và Xã hội Bắc Quang, trong 8 tháng năm 2023, huyện đã khai giảng được 38 lớp, với 1.330 học viên, trong đó có hàng trăm người là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, huyện đã và đang duy trì 10 lớp với 525 người đào tạo ở hai lĩnh vực phi nông nghiệp, nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp, bao gồm: may mặc, sản xuất mây tren đan, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, chế biến nông lâm sản, trồng và chế biến dược liệu...
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng đã phối hợp xây dựng kế hoạch giám sát quá trình đào tạo, giám sát về chất lượng đào tạo của các đơn vị liên kết để nắm được mức độ nhận thức và tiếp thu của lao động. Đánh giá chất lượng của học viên sau đào tạo, đó là giải pháp việc làm, nâng cao thu nhập có việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững. 
Có thể thấy, đến nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số đã được huyện Bắc Quang quan tâm chú trọng thực hiện, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chí Tâm

Từ khóa: