Công tác xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19
(LĐXH) - Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3/2022 là 1.096 người, bằng 32,01% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 3/2021 là 3.423 người), tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hungary, Trung Quốc... Kết quả, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 2.455 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 2,72% kế hoạch năm. Đây là tỷ lệ thấp, tương đương 2,72% kế hoạch của năm 2022. Đồng thời, con số này chỉ bằng 8,31% so với cùng kỳ năm ngoái, khi số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của quý I năm 2021 là hơn 29,5 nghìn người.
Trong đó, thị trường Nhật Bản có 612 lao động (239 lao động nữ), Đài Loan 439 lao động (100 lao động nữ), Hàn Quốc 336 lao động (1 lao động nữ), Singapore 331 lao động, Trung Quốc 1.245 lao động, Hungary 99 lao động (46 lao động nữ), Nga 71 lao động (2 lao động nữ), Ba Lan 68 lao động (4 lao động nữ), Rumani 65 lao động (1 lao động nữ)...
Hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch bệnh Covid-19, nhằm phục hồi nền kinh tế, nhiều nước đã mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài. Đơn cử: Các nước Châu Âu vẫn tiếp nhận lao động từ năm 2021; Hàn Quốc vẫn tiếp nhận lao động làm việc trên tàu biển và tàu đánh cá xa bờ và ven bờ, riêng chương trình EPS mới tiếp nhận trở lại từ tháng 5... Vì vậy, để chuẩn bị cho việc phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài khi mở cửa trở lại, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.
Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong năm 2022, bên cạnh các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Đài Loan- Trung Quốc, Hàn Quốc...), Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức, Nga, Australia (chương trình visa nông nghiệp), Israel và một số thị trường Châu Âu khác. Hiện, các DN đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.
Đặc biệt, gần đây nhất, Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Australia về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia đã chính thức được ký kết. Theo đó, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 người/năm, với mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 AUD đến 4.000 AUD/tháng- tương đương khoảng 52.800.000 đến 66.000.000 đồng/tháng. Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.
Năm 2022, chỉ tiêu đặt ra với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90 nghìn người. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều thách thức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48