Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” dành cho sinh viên khu vực phía Băc
(LĐXH) Ngày 24/10/2020, tại Hà Nội, Vụ Truyền thông, NHNN phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Vòng chung kết cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khu vực miền Bắc.
Cuộc thi là một hình thức sáng tạo để thực hiện truyền thông giáo dục tài chính nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia, các Đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Tham dự Vòng Chung kết Cuộc thi Hiểu đúng về tiền có PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN; PGS. TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN; đại diện Vụ các vấn đề xã hội – Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các Ban thuộc ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; lãnh đạo các ngân hàng thường mại, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp.
Ngay sau Lễ phát động ngày 01/10/2020, Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên từ nhiều trường đại học phía Bắc với gần 100 đội đăng ký dự thi (mỗi đội thi gồm 3 thành viên). Trải qua gần 1 tháng và nhiều nội dung thi gay cấn, hấp dẫn từ Vòng Sơ loại đến Vòng bán kết, top 4 đội thi xuất sắc nhất đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Học viện Ngân hàng đã góp mặt trong Vòng chung kết cuộc thi Hiểu đúng về tiền 2020. Kết quả chung cuộc, quán quân cuộc thi Hiểu đúng về tiền năm 2020 đã thuộc về Đội D.T.A đến từ Học viện Ngân hàng với chiến thắng thuyết phục qua các phần thi Khởi động, Tăng tốc và Về đích.
trao Giải thưởng cho những đội đoạt giải
Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, cuộc thi tập trung vào các nội dung về thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, các vấn đề quản lý tài chính cá nhân của sinh viên trong đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, … Cuộc thi đã giúp sinh viên thay đổi nhận thức, hành vi và hình thành thói quen tài chính tốt về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời các bạn trẻ cũng sẽ tiếp tục lan tỏa nhận thức trong cộng đồng nhằm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và giảm thiểu chi phí xã hội.
Hình thức tổ chức cuộc thi được đa dạng hóa từ các vòng thi trực tuyến (online), thi trập trung (offline) với nhiều dạng đề phong phú như: trắc nghiệm, tự luận, thuyết trình, tranh biện, clips tình huống… không chỉ đem đến sự hấp dẫn, gay cấn trong từng vòng thi mà còn giúp truyền tải các kiến thức tài chính ngân hàng tới sinh viên và cộng đồng một cách gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Ban Giám khảo Cuộc thi bao gồm đại diện Vụ Truyền thông, các Vụ, Cục chuyên môn của NHNN; các NHTm, giảng viên tài chính ngân hàng.
Phát biểu tại Vòng chung kết, PGS. TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao việc giáo dục tài chính cho sinh viên, qua đó góp phần hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của quốc gia. Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cũng là một đơn vị tiên phong đưa các nội dung giáo dục tài chính vào chương trình học cho sinh viên. Dù là năm đầu tiên tổ chức cho sinh viên, nhưng Cuộc thi đã thu hút gần 100 đội thi đăng ký, đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội. Điều này chứng tỏ cuộc thi đã lan tỏa và thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên.
Thay mặt Ban Tổ chức, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN nhấn mạnh: giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được các quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Để chủ trương đó hiệu quả, việc thực hiện đồng bộ các trụ cột về hành lang pháp lý, chất lượng hạ tầng thanh toán và truyền thông là những nhân tố quan trọng và quyết định. Đối với Việt Nam, đây là chủ trương được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm với giá trị cốt lõi là mang lại tiện ích và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính cũng như tạo thói quen tài chính tốt trong cộng đồng, giảm chi phí xã hội và nền kinh tế, giảm thiểu tín dụng đen và rủi ro cho người dân. Bên cạnh đó những việc này cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quản trị xã hội, kinh tế văn minh, và hiện thực hóa ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số để người dân được hưởng tiện ích sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý dịch vụ công tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Qua nghiên cứu các chương trình truyền thông về giáo dục tài chính của các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, có thể thấy, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng là nhóm đối tượng ưu tiên được nhiều chương trình giáo dục tài chính các nước hướng tới do có tiềm năng lớn, gần nhất với độ tuổi sẽ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai và có khả năng làm thay đổi thói quen xã hội. Do đó, cuộc thi Hiểu đúng về tiền dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng phía Bắc là một hình thức sáng tạo để thực hiện truyền thông giáo dục tài chính, đồng thời cũng là bước khởi đầu, tạo nền tảng cho việc thực hiện các chương trình giáo dục tài chính cho học sinh sinh viên trong cả nước thời gian tới.
Mỹ Linh
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00