Đại biểu Quốc hội tiếp xúc và đối thoại với trẻ em
(LĐXH) Ngày 07/04/2019, tại Trụ sở văn phòng đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng trị, lần đầu tiên diễn ra sự kiện Đại biểu Quốc Hội tiếp xúc, đối thoại với trẻ em nhằm hiện thực hóa Điều 77 của Luật Trẻ em năm 2016.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Hội đồng đội Tỉnh và tổ chức Plan International Việt Nam nhằm thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em Dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
Tham dự sự kiện là 150 trẻ em từ 9 huyện thị trong toàn tỉnh, đến từ các dân tộc Vân Kiều, Paco và Kinh. Đặc biệt là sự có mặt của các Đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Trị, đại diện Hội đồng đội Trung ương, đại diện lãnh đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Y tế; Tư pháp; Thông tin và truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; TAND tỉnh; Viện KSND tỉnh; Hội LHPN tỉnh; Tỉnh Đoàn; Hội đồng Đội tỉnh; Nhà Thiếu nhi tỉnh; đại diện tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và vùng dự án Quảng Trị; Phòng giáo dục thành phố Đông Hà.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại Diễn đàn Đại biểu Quốc hội với trẻ em
Mở đầu sự kiện, ông Hoàng Đức Thắng, Chủ tịch Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Quảng Trị đã chia sẻ với các em về vai trò của các đại biểu Quốc Hội, các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất Quyền của trẻ em. Ông cũng đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của hoạt động Đại biểu Quốc hội tiếp xúc và đối thoại với trẻ em, và đây chính là một cam kết được thực thi bằng hành động của các Đại biểu Quốc hội với trẻ em.
Tại buổi tiếp xúc, 25 câu hỏi, nguyện vọng của trẻ em, liên quan đến thực trạng thực hiện Quyền trẻ em theo Luật trẻ em năm 2016 tại địa bản tỉnh Quảng Trị đã được các em trình bày với Đoàn đại biểu Quốc Hội và lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân và các Sở, ban, ngành trong toàn tỉnh. Các em đặc biệt quan tâm đến vấn đề rất nhiều học sinh bỏ học khi đang là học sinh cấp II để đi làm rẫy, kiếm tiền giúp gia đình hoặc lấy chồng; nguy cơ bị xâm hại tình dục và thiếu các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho các em cũng như của cha mẹ trong vấn đề an toàn của trẻ em, thực trạng về tai nạn thương tích và thiếu các sân chơi cho trẻ em.
Dưới đây là một số câu hỏi của các em dành cho các đại biểu Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo ở trung ương và tỉnh Quảng Trị:
“Cháu tên là Hồ Thị Hữu - Cháu đến từ huyện Hướng Hóa. Thưa các Bác, hiện nay ở nơi chúng cháu sinh sống đang xảy ra tình trạng tảo hôn ngày càng nhiều. Người lớn và trẻ em đều biết việc làm đó là trái quy định của pháp luật, tuy nhiên tình trạng đó vẫn tiếp tục xảy ra. Vậy các Bác lãnh đạo có chính sách và biện pháp gì nghiêm khắc hơn để giải quyết tình trạng tảo hôn trên không ạ?”
“Cháu tên là Đỗ Hoàn Gia Trí - Cháu đến từ thành phố Đông Hà. Hôm nay đến dự chương trình tiếp xúc, đối thoại với các Bác Đại biểu Quốc hội, cháu xin được có 1 câu hỏi. Theo cháu được biết, hiện tai những vụ bạo lực học đường xảy ra rất nhiều, nghiêm trọng và ngày càng phổ biến tại các trường học. Vậy các Bác đã có kế hoạch, biện pháp như thế nào để hạn chế tình trạng bạo lực ở học đường?”
“Cháu tên là Hồ Thị Vai - Cháu đến từ huyện Đakrông. Cháu có 1 câu hỏi muốn hỏi các bác lãnh đạo. Theo điều 25 của Luật trẻ em thì trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên hiện nay ở nơi cháu sinh sống, xảy ra hiện tượng các bạn nam có hành vi quấy rối tình dục đối với các bạn nữ khiến cho các bạn nữ cảm thấy sợ hãi và xấu hỗ nhưng lại không dám nói với ai. Vậy các Bác cho cháu hỏi chúng cháu nên làm gì để bảo vệ mình khi gặp các trường hợp đó ạ”
“Cháu tên là Hồ Thị Thang - Cháu đến từ huyện Đakrông. Cháu xin có 1 câu hỏi dành cho các Bác ạ. Chúng cháu là những học sinh vùng dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chúng cháu không có điều kiện để được vui chơi, giải trí tại các khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Các Bác có thể tạo điều kiện, quan tâm xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em ở vùng cao để chúng cháu có thể vui chơi như bao bạn khác được không ạ”
150 bạn nhỏ cũng đã thể hiện sự vui mừng vì lần đầu tiên được biết đến trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân tỉnh, được các bác đại biểu Quốc hội và các cô chú lãnh đạo của tỉnh lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng và đề xuất. Trẻ em tham gia buổi đối thoại, tiếp xúc cũng đề đạt nguyện vọng hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên và tạo cơ hội cho nhiều trẻ em hơn được tham gia trình bày các vấn đề khó khăn mà trẻ em đang gặp phải.
Ngay sau phần chia sẻ tâm tư, nguyện vọng từ 150 trẻ em, lần lượt các Đại biểu quốc hội thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành như Công An, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa thông tin, Thể thao và Du lịch, Đoàn thanh niên đã có phần trả lời, cung cấp thông tin cho các em.
Phát biểu tại sự kiện, Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy Ban Giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc Hội nói “Điều 5 của Luật Trẻ em năm 2016 có quy định khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em; phải xem xét ý kiến của trẻ em. Hoạt động diễn đàn Đại biểu Quốc hội với trẻ em ngày hôm nay tại Quảng Trị là một hành động cụ thể để thực hiện quy định này. Các em đã rất mạnh dạn, tự tin chia sẻ các tâm tư, nguyện vọng của mình và tôi cũng đề nghị các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương của Tỉnh Quảng Trị tiếp tục tạo môi trường cho các em được sống an toàn, khỏe mạnh, cần phải đưa vấn đề trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh cần tiếp thu và có trả lời, giám sát việc trả lời và thực hiện các cam kết của các Sở, ban, ngành với các em có thỏa đáng hay không”.
Dặn dò các em, ông nói “Đây cũng là dịp các em được nghiên cứu kỹ hơn về Luật trẻ em và Quyền bổn phận trẻ em. Các em cần tích cực tuyên truyền cho các bạn và các em có quyền gửi kiến nghị, đề xuất đến nhà trường, đến các bác Đại biểu Quốc hội của tỉnh”.
“Đây là một cơ hội đặc biệt, cho chúng tôi - các đại biểu Quốc hội, được lắng nghe trực tiếp các vấn đề mà trẻ em trong tỉnh đang gặp phải, các mong muốn của các cháu để Quyền trẻ em được thực hiện tốt hơn, đúng với mong muốn của Quốc hội, của Đảng và của nhà nước. Chúng tôi ghi nhận tất cả các ý kiến của các em, để cùng với lãnh đạo các cấp, các ngành tại Quảng Trị làm tốt hơn công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh nhà. Sự kiện tiếp xúc, đối thoại với trẻ em chính là một kênh hiệu quả, giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn vai trò giám sát thực hiện Luật pháp nói chung và Luật trẻ em năm 2016 nói riêng. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với tổ chức Plan International Việt Nam để triển khai định kỳ các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với trẻ em”, ông Hoàng Đức Thắng, trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị phát biểu
Sự kiện “Đại biểu Quốc hội tiếp xúc, đối thoại với trẻ em” của tỉnh Quảng Trị nằm trong chuỗi sự kiện 247 ngày hành động vì Quyền của em gái do tổ chức Plan International Việt Nam khởi xướng, bắt đầu từ ngày 8.3, ngày Quốc tế phụ nữ và kết thúc vào ngày 11.10 là Ngày Quốc tế em gái.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46