Xã hội
Đảm bảo quyền trẻ em trong việc tiếp cận các chính sách pháp luật liên quan đến nhóm trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt
11:22 AM 22/09/2018
(LĐXH) - Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em.

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào. Gần 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng pháp luật, chính sách không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiếp cận toàn diện dựa trên quyền trẻ em, đồng thời, góp phần giải quyết những khía cạnh khác nhau trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Ngày 05/4/2016, Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Luật quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm. Đặc biệt, ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em, được Hiến định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em.

Mọi trẻ em đều bình đẳng trong tiếp cận các nhóm quyền của mình

Về cơ bản, các quyền tham gia của trẻ em được pháp luật hóa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em đồng thời tôn trọng ý kiến của các em về các vấn đề liên quan đến quyền của các em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của các em đối với xã hội với tư cách là một chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời, các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt nói riêng ngày càng được quan tâm, đa dạng, và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách, pháp luật về quyền trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức rõ và đủ, dẫn đến hạn chế trong triển khai thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước, những người làm công tác trẻ em và cộng đồng hiểu không cụ thể, không thống nhất khái niệm, nội hàm về quyền tham gia của trẻ em; quan niệm về quyền tham gia của trẻ em chủ yếu tập trung vào tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí; thiếu cơ chế và chuẩn mực về sự tham gia của trẻ em. Luật định còn đang vướng trong việc xác định ranh giới giữa việc áp dụng các biện pháp giáo dục của gia đình với các hình thức bị pháp luật cấm. Một thực tế hiện nay cho thấy, việc tham gia của trẻ em trong gia đình và nhà trường vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống văn hoá á đông khi coi ý kiến của người lớn tuổi hay “bề trên” là “tối thượng”, là luôn luôn đem lại những điều tốt đối với người ít tuổi và đặc biệt là trẻ em, do vậy, trẻ em buộc phải tuân thủ. Ngoài ra, do tâm lý của chính trẻ em, năng lực, nhận thức của trẻ em còn hạn chế, chưa tự tin và chủ động thực hiện quyền này; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu và yếu về năng lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển quyền tham gia của trẻ em.

Việc truyền thông giáo dục đối với người dân trong cộng đồng về quyền trẻ em, cũng như các kỹ năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em chưa thực sự sát sao và rộng rãi. Hàng trăm trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ em bị buôn bán; quá một nửa trẻ em bị bạo lực tại gia đình và bạo lực học đường; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo chưa có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em. Tình trạng đăng ký khai sinh cho trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn chậm so với quy định, nhiều trẻ khi đi học mới làm thủ tục khai sinh. Hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em bước đầu được xây dựng, nhưng chưa được thực hành rộng rãi. Trẻ em chưa có nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại. Theo Báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất (chiếm 56,9%); tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), sau đó đến trường học là 20,1%.  Mặc khác, việc đấu tranh với các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em ở cộng đồng và cơ sở chưa đủ mạnh, còn có những gia đình người thân nạn nhân che giấu, mặc cảm, né tránh. Nguy cơ xâm hại trẻ em nhất là xâm hại tình dục trẻ em khó phát hiện, giải quyết.

Thông qua các hoạt động trong nhà trường giúp trẻ nắm được các quyền của trẻ em

Đối với đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã có quy định về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng cũng mới chỉ quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục từng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà chưa có quy định về biện pháp bảo đảm, nhất là các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chưa có quy định về việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và với nhóm trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thì chưa có các biện pháp bảo vệ các em, quy trình phát hiện, cơ quan tiếp nhận thông báo, cơ quan chủ trì, phối hợp theo dõi và quy trình can thiệp, giải quyết, tái hòa nhập các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại; thời gian giải quyết; các dịch vụ can thiệp hỗ trợ giải quyết cụ thể gồm những loại hình nào, do cơ quan nào quản lý, thực hiện; các đối tượng này khi về hồi gia, hòa nhập cộng đồng, thì cơ quan nào đứng ra giúp UBND cấp xã quản lý đối tượng; các chính sách trợ giúp khác cũng chưa được luật quy định cụ thể. Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và những trường hợp khác chưa có những quy định cụ thể, đầy đủ, nên việc trợ giúp số trẻ em này thường là do các tổ chức nhân đạo, từ thiện giúp đỡ.

Một số giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo quyền trẻ em, bao gồm nhóm trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật ở Việt Nam:

Một là, cần xây dựng, thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện các chính sách trợ giúp thực hiện các quyền trẻ em nói chung, ưu tiên chính sách trợ giúp có điều kiện cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lồng ghép vấn đề nghèo trẻ em trong chính sách tiếp cận giảm nghèo đa chiều.

Hai là, Nhà nước có chính sách để duy trì và phát triển dịch vụ công và các mô hình bảo vệ trẻ em; quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, kết nối với các dịch vụ xã hội khác nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả 03 cấp độ; phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, ưu tiên phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình đáp ứng các quyền của trẻ em, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Ba là, cần truyền thông sâu rộng về quyền trẻ em, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em phổ biến và rộng khắp từ trong trường học đến gia đình và cộng đồng. Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em; trao cơ hội để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em; không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đồng thời, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhà trường cũng quan tâm tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Trần Thị Khánh Dung

 

Từ khóa: