Đào tạo nghề để tạo việc làm bền vững cho lao động nữ nhập cư
Từ nông thôn ra thành thị, nhiều chị em chưa được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật nhưng vẫn được nhận vào làm công nhân tại các xưởng sản xuất, khu công nghiệp. Dù vẫn có lương và gửi tiền về cho gia đình, tuy nhiên nếu bị cho nghỉ việc thì chính họ cũng không biết tương lai như thế nào. Vì vậy, nhiều chương trình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng được triển khai để đảm bảo việc làm bền vững cho họ.
Thiếu chính sách hỗ trợ lao động nhập cư
Sinh ra ở một xã nghèo thuộc tỉnh Hòa Bình, không có điều kiện học tiếp, Nguyễn Thị M. rời quê hương lên thành phố tìm việc làm. Được người quen giới thiệu, M được nhận vào làm cho một công ty có vốn nước ngoài ở Khu công nghiệp Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) với công việc là lắp ráp linh kiện. “Họ không yêu cầu tôi phải được đào tạo ngành nghề gì vì công việc của tôi rất đơn giản, làm theo dây chuyền. Thời gian làm việc từ 10 – 12 giờ/ngày với thu nhập hơn 4 triệu/tháng. Cuộc sống của tôi là làm việc tại công ty và ngủ tại nhà trọ. Tôi chưa biết tương lai sắp tới của mình như thế nào. Nếu công ty cho nghỉ việc, tôi về quê thì không có việc làm, nhưng cũng chưa biết làm gì vì tôi không có kiến thức, kỹ năng cho công việc khác”, cô công nhân đến từ Hòa Bình chia sẻ.
Các nữ công nhân được đào tạo và thực tập nghề may
Đây là trăn trở không chỉ của Nguyễn Thị M. mà là tình trạng của rất nhiều nữ lao động nhập cư khác. Theo kết quả nghiên cứu về lao động nữ tại Việt Nam do Mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) công bố đầu năm nay, lao động nữ chiếm hơn 64% tổng số lao động trong các khu công nghiệp. Các ngành sử dụng lao động phổ thông, nặng nhọc như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản có tới hơn 70% là lao động nữ... Trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều lao động nữ nhập cư đứng trước nguy cơ mất việc làm do bị máy móc thay thế.
Trong khi đó, kết quả khảo sát Thị trường việc làm cho nữ lao động nhập cư tại Hà Nội do Tổ chức Plan International Việt Nam vừa công bố mới đây cho thấy, có tới 70% lao động nữ nhập cư làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, chưa có hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng ngắn hạn dưới ba tháng, chưa tham gia BHXH, chưa qua đào tạo nghề... “Lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi nhóm lao động qua đào tạo nhận lương 6,1 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, thu nhập của lao động nữ nhập cư chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu tối thiểu của bản thân. Những người phải thuê nhà và có con nhỏ gặp khó khăn chồng chất”, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) – một trong những đơn vị thực hiện khảo sát nhận định.
Cũng theo ông Việt, hiện còn thiếu những chính sách đặc thù hỗ trợ cho lao động nữ di cư học nghề tại Hà Nội, cũng như các thành phố, đô thị lớn. Các chính sách ưu đãi về học nghề và việc làm của Nhà nước thường gắn với hộ khẩu. Như vậy vô hình chung lao động nữ di cư thường bị gạt ra ngoài các chính sách hỗ trợ về đào tạo và việc làm hiện hành. “Lao động nữ di cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo tại nơi đến. Con cái của họ cũng gặp những khó khăn tương tự trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục công trên địa bàn nhập cư”, ông Việt cho hay.
Bước ngoặt mới nhờ được đào tạo nghề
Nhằm trang bị cho phụ nữ di cư những kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm, Tổ chức Plan International Việt Nam và một số tổ chức đã thực hiện dự án “Tạo việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội. Triển khai từ năm 2016 – 2019, dự kiến khoảng 4.000 phụ nữ và thanh niên nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sẵn sàng làm việc; được đào tạo nghề và kết nối với doanh nghiệp để có việc làm ổn định. Đặc biệt, khoảng 150 phụ nữ và nữ thanh niên được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ mô hình do chính phụ nữ lên kế hoạch thực hiện.
Một trong những phụ nữ may mắn tham gia dự án là Trần Vân Anh (28 tuổi, quê Hà Tĩnh). Ra đi từ mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, Vân Anh ra Hà Nội tìm việc làm, ba năm ở thành phố, cô đã thay đổi hai công ty, và cũng quen với cảnh ngủ ngày làm ca đêm, nắm xôi ăn lót dạ vội vàng mỗi buổi sáng, phích nước với dăm ba gói mỳ pha tạm mỗi hôm tăng ca về muộn. “Cuộc đời công nhân vất vả đi sớm về khuya là vậy. Cứ nghĩ tôi sẽ sống mãi với cuộc đời người công nhân. Rồi tình cờ, cơ duyên đã đưa tôi đến với dự án của tổ chức Plan. Ước mơ được đi học nghề đã thành hiện thực mở ra cánh cửa tương lai mới cho tôi”, Vân Anh tâm sự.
Cánh cửa mà Vân Anh nói tới được mở ra sau sáu tháng được hỗ trợ học phí khóa “Kỹ thuật chế biến món ăn châu Á” đã giúp cô có được chứng chỉ nghề. Cô gái Hà Tĩnh xinh xắn dễ thương ngay lập tức được giới thiệu vào làm tại nhà hàng “Làng” của Hàn Quốc ở sân gold Vân Trì – nơi cô được học hỏi kinh nghiệm và phát huy khả năng của mình.
Cũng từ dự án mà Nguyễn Thị Dung (SN 1990, quê Phú Thọ) cũng mở được một hiệu làm tóc nhỏ ngay tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh (SN 1992, quê Vĩnh Phúc) sau học nghề làm tóc và chăm sóc da mặt đã mở được một salon làm đẹp Khánh Nhinh tại thị trấn Đông Anh, nơi đây đã trở thành nơi thực tập, học nghề cho rất nhiều nữ công nhân muốn có việc làm bền vững sau này…
Đánh giá cao hiệu quả của Dự án, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lao động nữ và giới (Bộ LĐ,TB&XH) mong muốn các cơ quan chức năng triển khai nhiều hơn những dự án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ở tất cả các khu vực. Ở góc độ khác, bà Lương Minh Ngọc, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (ISEE) cho rằng, cần thay đổi suy nghĩ và quan niệm sống ở thành phố tốt hơn, ra thành phố có nhiều cơ hội việc làm hơn nông thôn. Thực tế, nhiều lao động thành phố đang nhập cư về nông thôn để làm những công việc họ yêu thích. Qua đó có khẳng định, lao động nữ rất cần được các cơ quan chức năng quan tâm, định hướng, hỗ trợ về nhiều mặt, quan trọng nhất là việc định hướng việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm bền vững.
QUỲNH HOA(Theo Báo Văn hóa)
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
29-12-2024 11:39 07
-
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
29-12-2024 11:10 19
-
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
28-12-2024 23:33 52
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17