Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động
(LĐXH) - Sáng 19/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (một sáng kiến của Chính phủ Australia và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ (UN Women tại Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn "Thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động".
Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu đại diện cơ quan Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban, ngành, các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, và các cơ quan truyền thông...
Sau 5 năm thi hành, Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Với yêu cầu của hội nhập thương mại và quốc tế và tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đòi hỏi Bộ luật lao động năm 2012 cần được tiếp tục hoàn thiện để khắc phục những vướng mắc, bất cập và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo khung pháp lý thông thoáng hơn, linh hoạt hơn về lao động để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, bình đẳng, không phân biệt đối xử - trong đó có bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới - là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt của Bộ luật Lao động năm 2012.
Về cơ bản, Bộ luật Lao động hiện hành đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có quy định riêng cho lao động nữ như thai sản, bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập khu vực, quốc tế và tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật Lao động cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới” với một số vấn đề được chú ý như: Một số quy định riêng đối với lao động nữ với mục tiêu bảo vệ lao động nữ nhưng thực tế đem lại tác động bất lợi với phù nữ (ví dụ: cấm lao động nữ làm một số công việc, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm… ). Các quy định như vậy không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về thúc đẩy bình đẳng giới; Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nói chung, bảo vệ sức khỏe sinh sản nói riêng do còn chịu ảnh hưởng của định kiến giới nên chưa bảo đảm bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình như: chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm đau… chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam; Một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới rất hợp lý, song tính khả thi không cao do thiếu quy định cụ thể phù hợp (như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ…).
Bà Astrid Bant, quyền điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách về giới nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là thời điểm Việt Nam thực hiện bước tiến tốt hơn nữa để phát triển nền kinh tế, dựa vào năng suất lao động cao và tạo ra việc làm thỏa đáng.
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên Minh châu Âu (EVFTA), giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường EU và các nước tham gia CPTPP thông qua việc cắt giảm 99% thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm. Sửa đổi Bộ luật Lao động là công việc cụ thể để Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới tại nơi làm việc, giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
"Bất bình đẳng giới không nên chỉ được xem là một vấn đề xã hội thuần túy nữa mà là một vấn đề kinh tế, là thách thức lớn đối với sự tăng trưởng toàn diện và bền vững”- Bà Astrid Bant nhấn mạnh.
Theo nhóm chuyên gia Economica, làm việc với sự tài trợ của DFAT (Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc) thông qua Dự án Investing in Women nhằm hỗ trợ kỹ thuật sửa đổi Bộ luật Lao động do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, Bộ luật Lao động 2012 vẫn còn một số bất cập về giới. Đó là, tình trạng các doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ do lo sợ tăng chi phí vì thực hiện chế độ nghỉ thai sản, lo tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con cái họ. Việc hạn chế quyền làm việc của lao động nữ trong một số công việc đã làm ảnh hưởng tới cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động nữ. Ngoài ra, việc quy định tội quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong Luật chưa rõ ràng, đầy đủ nên không có tính khả thi...
Những nỗ lực của Bộ Lao động - Thương bình Xã hội với sự hỗ trợ của chính phủ Úc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ tập trung vào việc thay đổi cách tiếp cận, hoàn thiện các quy định đối với 4 nội dung trong Bộ luật Lao động hiện hành: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; Hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc; Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ; Hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Hoàn thiện những quy định về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động cũng đồng thời giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Luật Bình đẳng giới đã được ban hành từ năm 2006, là đạo luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, những ý kiến đóng góp từ Hội thảo tham vấn tham vấn hôm nay sẽ được ban sạo thảo tổng hợp đưa vào sửa đổi bổ sung Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019, thông qua vào tháng 10/2019.
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48