Đề nghị 23 địa phương thực hiện giãn cách hỗ trợ tiền ăn cho người dân
(LĐXH)- Trên cơ sở dự báo diễn biến dịch, 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg chủ động phương án chính sách hỗ trợ tiền ăn (mức tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày) theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ…
Đây là đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2669 ngày 13/8/2021 gửi Chủ tịch UBND 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội gồm: 19 tỉnh, thành phố phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. 4 tỉnh, thành phố khác: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị khó khăn do đại dịch COVID-19; trong đó có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Phát cơm miễn phí cho người dân tại phường 13, quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh)
Đặc biệt, nhiều người dân, người lao động do giãn, hoãn hoặc mất việc làm, không có thu nhập dẫn đến không có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân rời khỏi thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg về quê. Việc di chuyển này không an toàn cho người dân, gây khó khăn trong phòng, chống dịch.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động, nhất là người lao động ngoại tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp:
Rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Các tỉnh, thành phố vận động Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tổ chức các kênh cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nơi cho người dân ở các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê nhà; thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trên cơ sở dự báo diễn biến dịch, chủ động phương án chính sách hỗ trợ tiền ăn (mức tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày) theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm ưu tiên đối với nhóm hộ nghèo, người lao động bị giảm sâu về thu nhập, hộ gia đình kinh doanh buôn bán dịch vụ nhỏ, lẻ phải tạm dừng kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê thì cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê không để tình trạng di chuyển tự phát (xe máy, xe đạp, đi bộ...); tổ chức cách ly, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19./.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08