Đề xuất giữ nguyên mức lương tối thiểu năm 2021
(LĐXH)- Hội đồng tiền lương Quốc gia chính thức gửi tới Chính phủ hôm 28/8/2020. Theo đó, tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 việc áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng như hiện tại, đồng thời chưa ban hành mới về mức lương tối thiểu theo giờ.
Trong đó, phương án đề xuất của các thành viên đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được dựa trên các căn cứ như sau:
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật Lao động 2019 thì mức lương tối thiểu được xác định dựa trên nhiều yếu tố và do Chính phủ quyết định trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia (Bộ luật Lao động không quy định hằng năm phải điều chỉnh mức lương tối thiểu).
Thứ hai, trên thực tế, đại dịch COVID-19 bùng phát trong nước và trên thế giới, tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong nước ở 8 tháng đầu năm 2020, tiếp tục ở 4 tháng cuối năm và chưa dự báo được mức độ tác động tiêu cực cụ thể cho năm 2021, trong đó:
Tăng trưởng kinh tế giảm, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81% (kế hoạch năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội tăng 6,8%), quý II chỉ tăng 0,36% (là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm từ 2011 - 2020).
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá dịch COVID-19 tác động đến thị trường lao động theo hướng tồi tệ và bất ổn, tác động này có thể lớn gấp 10 lần tác động so với khủng hoảng tài chính năm 2008. OECD cũng dự báo tác động này ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế thế giới, sẽ cải thiện dần trong thời gian tới nhưng vẫn ở mức cao năm 2021, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh và nguy cơ trước làn sóng quay trở lại của dịch COVID-19.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sau thời gian các doanh nghiệp hoạt động cầm cự trong quý I, suy giảm trong quý II, quý III, trong đó lĩnh vực xuất khẩu quý III chịu tác động mạnh mẽ nhất khi đứt gãy các hợp đồng của năm 2020 (quý I và quý II vẫn cầm cự sản xuất khi tiếp tục thực hiện các đơn hàng đã ký năm 2019), và chưa dự báo được năm 2021. Có tới 19,4% doanh nghiệp dự báo nhận định gặp khó khăn hơn quý II/2020, 18,3% doanh nghiệp dự bảo giảm đơn đặt hàng mới và 21,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn đặt hàng xuất khẩu.
Có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Khoảng gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch COVID-19 bao gồm: (1) Cắt giảm lao động, (2) Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, (3) Cho lao động nghỉ việc không lương, (4) Giảm lương người lao động. Trong đó, “Cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên” là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất (gần 40% doanh nghiệp thực hiện), trên 28% doanh nghiệp thực hiện “Cắt giảm lao động”.
Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm sút, mặc dù từ 01/01/2020 áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Thứ ba, về mức độ điều chỉnh và đáp ứng mức sống tối thiểu của lương tối thiểu hiện hành (năm 2020). Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh liên tục giai đoạn 2008 - 2020, tốc độ tăng bình quân của giai đoạn này là 15,52%/năm, (đối với doanh nghiệp trong nước tăng bình quân năm là 18,24% và doanh nghiệp FDI là 12,79%); mức tăng hằng năm cao hơn 2 lần mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm là 4,31%. Hơn nữa, mức lương tối thiểu vùng 2020 bình quân đã bảo đảm cao hơn 1,51% so với mức sống tối thiểu năm 2020 (gồm vượt theo CPI thực tế 2019 là 1,21% và theo dự kiến ban đầu 0,3%). Bên cạnh đó, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm pháp dưới 4% sẽ góp phần bảo đảm giá trị thực tế của tiền lương tối thiểu hiện hành.
Thứ tư, chủ trương chung của Chính phủ về thực hiện nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho việc phục hồi của nền kinh tế, sản xuất của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động trước tác động của COVID-19.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ 03 gói hỗ trợ lớn về: (i) chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, tiền thuê đất,... số tiền gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 180 nghìn tỷ đồng, số tiền miễn, giảm phí, lệ phí khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm); (ii) chính sách hỗ trợ tín dụng như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng); (iii) chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng), trong đó có những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người lao động không có thu nhập hoặc thu nhập bị giảm sâu, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương ngừng việc, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Vì vậy, chính sách tiền lương tối thiểu cũng phải đặt trong yêu cầu chung về hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ người lao động.
Thứ năm, yêu cầu về tính đồng bộ với cải cách chính sách tiền lương (lùi thời gian thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW):
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, khóa XII của Đảng về cải cách chính sách tiền lương thì từ năm 2021 thực hiện cải cách chính sách tiền lương (cả khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp). Đến nay, Chính phủ có chủ trương xin lùi thời gian thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào 01/7/2022. Do vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng cần đặt trong mối quan hệ về nguồn lực và quan hệ cánh kéo giữa các khu vực (khu vực hành chính sự nghiệp, khu vực thị trường/doanh nghiệp).
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); sau khi đánh giá, phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất của doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động và trên cơ sở kết quả thương lượng, Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong các doanh nghiệp trong năm 2021 như sau:
Tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng hiện hành (chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu hiện hành tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ). Chưa ban hành mới về mức lương tối thiểu theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng./.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
21-11-2024 09:00 45
-
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
20-11-2024 14:10 55
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
06-11-2024 09:05 17
-
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
06-11-2024 09:03 05
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48