Như nhiều gia đình Việt khác, nhà chị Thu Nga, nhân viên một công ty truyền thông tại quận 10 (TP HCM) vẫn có truyền thống mừng tuổi ông bà, cha mẹ và các cháu nhỏ để lấy hên dịp Tết Âm lịch. Do đông con cháu, năm nào chị Nga cũng phải chuẩn bị cả sấp 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng để lì xì.
Năm trước, chị Nga cho biết phải chạy lòng vòng nhiều ngân hàng mà không đổi được tiền 20.000 đồng vì mệnh giá này được thông báo là rất ít, thường chỉ để dành được cho khách VIP. Sau đó, chị cũng mất nhiều công sức mới đổi được 2 triệu đồng tiền 10.000 đồng. "Năm nay, tôi phải chủ động gọi điện sớm để nhờ mấy người bạn làm ở ngân hàng đổi giúp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa biết có đổi được không bởi họ chỉ được chia hạn mức giới hạn mà lại quá nhiều người nhờ", chị Nga chia sẻ.
Anh Hải Nhân, nhân viên một công ty điện tử tại quận 6 cũng cho hay, vì gia đình nội ngoại ở quê rất đông, trong khi chỉ có mình anh làm việc ở thành phố nên năm nào trách nhiệm đổi tiền lì xì đều "đè lên đầu" anh.
Trung bình mỗi cái Tết, anh phải đổi cả chục triệu đồng tiền lẻ, mới để mang về quê. "Khổ nỗi, tôi không có người quen làm ngân hàng, quanh năm lại chẳng mấy giao dịch với nhà băng nên để đổi được số lượng tiền này tôi khá chật vật", anh tâm sự và cho biết, năm trước phải bỏ cả ngày trời, chạy vòng cả chục ngân hàng mới đổi được ngần ấy tiền lẻ, mới. Giờ anh đang lo không biết năm nay có đổi được không vì công việc quá nhiều nên sợ không có thời gian đi cả ngày, còn nếu đổi ở chợ đen thì dễ nhưng phí quá cao”, anh nói.
Chị Nhàn, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ tại TP HCM cho biết thêm, mấy ngày qua, cô cũng "quá tải" với những lời nhờ vả từ người thân, bạn bè trong việc đổi tiền tiền lẻ. "Từ chối thì sợ họ giận vì cho rằng làm trong ngân hàng nhưng không giúp. Tuy nhiên, nhận lời thì sợ không đổi được vì mỗi nhân viên cũng chỉ có hạn mức được đổi tiền lẻ nhất định", chị phân trần.
Trong khi đó, các điểm đổi tiền lẻ ngoài thị trường chợ đen cũng đã bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Nhiều điểm trên đường Sư Vạn Hạnh, 3/2 (quận 10), Nguyễn Oanh (Gò Vấp), Lê Quang Định (quận 1)... cho biết đã có nhiều người đến đổi hoặc đặt cọc. Ngoài ra, hàng loạt các trang đổi tiền lẻ trực tuyến cũng nở rộ với các lời cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền thật, trùng series và đặc biệt là chi phí đổi thấp.
Tuy nhiên, lướt qua một lượt các mức phí thì thấy dao động 10-50% tuỳ mệnh giá. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nên nhiều nơi đề nghị người tiêu dùng phải trả mức phí 70 -80%.
Đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, nhà băng thường được phân bổ lượng tiền lẻ nhất định xuyên suốt trong năm nên áp lực về loại tiền này là không quá lớn. Tuy nhiên, do vào dịp sát Tết Nguyên đán, nhu cầu tiền lẻ, mới có tăng cao.
"Do đó, nếu doanh nghiệp hay cá nhân có nhu cầu đổi tiền lẻ mới thì gửi công văn hoặc đến thông báo trước về số lượng cũng như loại tiền cần đổi để ngân hàng có thể chuẩn bị", Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần nói.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thì cho rằng, nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. “Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đổi, nhất là đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ, cúng chùa mà làm rối thị trường", cơ quan này khuyến cáo.
Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để lì xì, đi lễ, chùa... dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.