Điện Biên tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Nhằm hạn chế và tiến tới đẩy lùi các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói riêng, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHTN.
Điện Biên là tỉnh miền núi cao biên giới có 21 dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Dân số 491.046 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng trên 230.000 người, tỷ lệ lao động thất nghiệp (riêng tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07%). Bình quân mỗi năm, số lao động cần giải quyết việc làm khoảng trên 6.500 lao động.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên, ước đến hết năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 9.036 lao động, đạt 102,68% so với kế hoạch. Trong đó, thông qua vay vốn hỗ trợ việc làm cho 1.111 người, xuất khẩu lao động 45 người, tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 2.320 người (doanh nghiệp ngoài tỉnh 1.805 người); tuyển dụng vào cơ quan hành chính nghiệp, Đảng, đoàn thể 454 người, lao động theo Chương trình phát triển kinh - xã hội khác và tự tạo việc làm là 5.106 người.
Dự ước đến ngày 31/12/2021, tỉnh Điện Biên có 29.516 người tham gia BHTN; tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 8%. Để đạt được kết quả này, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về chính sách BHTN với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, giúp các người dân thấy rõ những lợi ích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHTN đối với việc ổn định cuộc sống, ổn định kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh trên địa bàn.
Lao động thất nghiệp đăng ký tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Điện Biên (ảnh minh họa)
Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Điện Biên, cho biết: Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc thực hiện và giải quyết chế độ chính sách về BHTN theo quy định của pháp luật, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động bố trí cán bộ hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ người lao động đến đăng ký, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như được tiếp cận thông tin thị trường lao động nhanh nhất, tìm kiếm việc làm phù hợp trong thời gian ngắn nhất.
"Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách về BHTN, do đó mọi tài liệu liên quan đến từng hồ sơ, tiến độ giải quyết được cập nhật đầy đủ và phân cấp quản lý rõ ràng trên hệ thống điều hành. Khi đến nộp hồ sơ, người lao động được cán bộ hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết, bảo đảm các giấy tờ liên quan đúng, đủ so với quy định để làm căn cứ đề nghị giải quyết trợ cấp BHTN, giúp đối tượng thụ hưởng không phải mất công đi lại nhiều lần" - Phó Giám đốc Mai Hoàng Hà, thông tin.
Theo báo cáo, trong năm 2021, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Điện Biên đã tổ chức 07 hội nghị, 122 buổi tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 6.100 lao động, trong đó bao gồm cả lao động thất nghiệp, tạm ngừng việc. Tổ chức giới thiệu 530 lao động đến các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; số lao động nhận được việc làm là 262 lao động (trong đó, số lao động làm việc ngoài tỉnh là 141 lao động, số lao đông làm việc trong tỉnh là 121 lao động). Thông qua việc cung ứng, tuyển lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tạo việc làm cho 2.320 lao động, trong đó có 1.805 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương…
Được biết, thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên còn phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thu, đóng BHTN theo quy định của pháp luật; xử lý và đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BHTN theo quy định. Đặc biệt là đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để có các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách BHTN.
Kết quả tính từ 10/2020 đến hết tháng 9/2021, qua thanh tra, kiểm tra, Điện Biên đã phát hiện có 372 lao động chưa đăng ký đóng BHXH, BHTN, BHYT hoặc đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức lương, với số tiền phải truy thu và lãi 1,066 tỷ đồng; 134 lao động đóng sai đối tượng, sai thời gian tham gia BHXH, BHTN, BHYT, với số tiền phải điều chỉnh giảm và thoái thu 97 triệu đồng.
Có thể thấy, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách BHTN đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về quyền và lợi ích của cá nhân khi tham gia BHTN; nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động trong việc đăng ký tham gia BHTN cho người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
13-01-2025 16:33 35
-
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
13-01-2025 13:46 14
-
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
13-01-2025 12:56 46
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09