Giáo dục - Nghề nghiệp
Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023: Phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục và công nghiệp 4.0
11:40 AM 27/10/2023
(LĐXH)- Ngày 27/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Diễn đàn Hà Nội về Khoa học sư phạm và Giáo dục năm 2023 (HaFPES 2023). HaFPES 2023 tập trung vào nghiên cứu và phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục và công nghiệp 4.0.
Đây là sự kiện tiếp nối thành công của các Diễn đàn, Hội thảo (HaFPES 2021 và HaFPES 2022). HaFPES 2023 có tổng cộng 136 tóm tắt công trình nghiên cứu từ trong và ngoài nước, với 34 báo cáo trực tiếp tại hội thảo và 71/95 bài được duyệt đăng trong Kỷ yếu. Các chủ đề chính của hội thảo bao gồm lãnh đạo trường học, giáo dục sư phạm, đánh giá giáo dục, nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam, và ứng dụng công nghệ trong giáo dục. HaFPES 2023 sẽ diễn ra trong hai phiên chung và mười phiên song song, với những báo cáo chất lượng từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tại các phiên chung, Hội thảo sẽ nghe 4 báo cáo quan trọng:
Khi nghiên cứu về giáo dục ngày nay, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cơ bản về bản chất con người và tác động của giáo dục. HaFPES 2023 trình bày các lý thuyết mới về giáo dục qua báo cáo "The Human Being: Nature versus Nurture" của GS.TS Nguyễn Quý Thanh và GS.TS Lê Ngọc Hùng – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Việc đánh giá giáo dục là yếu tố quan trọng, được bàn thảo trong báo cáo của TS. Phạm Ngọc Duy, Trường Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ với tiêu đề "Addressing Assessment Challenges of the New National Curriculum". Chất lượng giáo viên và đào tạo giáo viên trong ASEAN cũng là tâm điểm của sự quan tâm, được thảo luận qua báo cáo của PGS.TS. Jiradawan Huntula Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề nghiệp giảng dạy của ASEAN, Trường Đại học Khon Kaen, Thái Lan trong bài báo có nhan đề "Teacher education in ASEAN countries". Cuối cùng, bàn về các khía cạnh thần kinh học đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu về rối loạn học tập, được khám phá qua báo cáo của GS. Susan De La Paz Trường Đại học Maryland, Hoa Kỳ với tiêu đề "What can Neuroscience tell us about why Cognitive Strategies benefit Students with Learning disorders". HaFPES 2023 là nơi trao đổi và thảo luận các vấn đề rất mới mẻ này.
HaFPES 2023 có tổng cộng 136 tóm tắt công trình nghiên cứu từ trong và ngoài nước.
Các phiên song song được chia thành 5 chủ đề chính gồm:
(1) Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn;
(2) Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực;
(3) Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng;
(4) Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức;
(5) Công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.
Các nhà Khoa học có thể lựa chọn tham gia vào từng tiểu ban với các chủ đề mà mình quan tâm.
Tiểu ban 1, sự tập trung chính là lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số. Các phiên thảo luận buổi sáng tại tiểu ban này xoay quanh các vấn đề như Chiến lược số hóa hệ thống giáo dục ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp, Quản trị đại học: Từ mô hình lý thuyết đến thước đo hiệu suất trong bối cảnh hiện nay, và Giáo dục năng lực định hướng nghề nghiệp trong giáo dục phổ thông.
Các nhà lãnh đạo giáo dục cấp cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn, và những người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội trao đổi và đóng góp kiến thức của họ về những vấn đề thời sự nhất trong lãnh đạo và quản lý giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Các báo cáo đề xuất sẽ đưa ra các phương thức đổi mới để hướng tới một nền quản trị trường học có chất lượng hơn, thể hiện tầm nhìn mới trong thời đại ngày nay. Đồng thời, chúng sẽ đề xuất những giải pháp liên quan để góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo và quản lý giáo dục nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tiểu ban 2, tập trung vào giáo dục sư phạm trong bối cảnh chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực. Các phiên thảo luận tại đây sẽ tập trung vào việc đào tạo giáo viên để đảm bảo chất lượng đào tạo và nhân lực có kỹ năng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Các chuyên gia từ Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan sẽ trình bày các nội dung đa dạng và có ý nghĩa thực tiễn liên quan đến đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, tiểu ban 2 cũng đề cập đến sự khác biệt về cấp giấy phép hành nghề giáo viên trong hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ và Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia từ Trường Đại học Oregon State, Hoa Kỳ. Các vấn đề như bối cảnh văn hóa và khung pháp lý được bàn thảo để hiểu rõ những khác biệt quan trọng này.
Tiểu ban 3, xoay quanh xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục, bao gồm kiểm định chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học. Tại đây, sẽ có những phân tích kỹ lưỡng về chặng đường 2 thập kỷ của đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, áp lực trong quá trình công nhận chất lượng, và khuyến nghị cho sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, các vấn đề về xếp hạng đại học cũng sẽ được nêu bật, so sánh kết quả với các nước trong ASEAN và cung cấp kinh nghiệm để nâng cao thứ hạng đại học tại Việt Nam.
Tiểu ban 4, sẽ thảo luận về nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam, tập trung vào nhiều khía cạnh của giáo dục. Các báo cáo bao gồm mô hình đào tạo tài năng, phân tích hành vi ứng dụng, can thiệp và hỗ trợ trẻ có rối loạn phát triển và rối loạn học tập. Những nghiên cứu này cung cấp cái nhìn sâu sắc và hiểu biết quan trọng về cải cách giáo dục và các vấn đề quan trọng trong việc hỗ trợ các học sinh và sinh viên.
Tiểu ban 5, tập trung vào công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cách ứng dụng chúng trong giáo dục. Các báo cáo tại đây đề cập đến các công nghệ mới và hứa hẹn bao gồm ChatGPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Metaverse, và Digital Twin. Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ giáo dục sẽ chia sẻ những cách tiếp cận và phát triển giải pháp nhằm tận dụng tiềm năng của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể nói phiên thảo luận về "Lãnh đạo và quản lý giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số" hứa hẹn là một cơ hội quý báu để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, chuyên gia, và nhà quản lý giáo dục, giúp cải thiện lãnh đạo và quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên, đánh giá giáo dục, và ứng dụng công nghệ trong ngành giáo dục tại Việt Nam./.

Thảo Lan