Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, được phát huy năng lực, vai trò của mình trong gia đình, xã hội và nhà trường. Hiện nay, thành phố Hà Nội có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 35.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển bền vững, thành phố luôn dành sự quan tâm toàn diện đến trẻ em. Nhờ đó, trẻ em Thủ đô có môi trường tương đối an toàn, lành mạnh để phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi; số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đang làm thế giới thay đổi từng ngày. Xã hội nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận; thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số.
Tại diễn đàn, 120 trẻ em đại diện cho hơn 1,8 triệu trẻ em Hà Nội đã trực tiếp đặt câu hỏi thảo luận cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành về vấn đề phòng, chống tác hại xấu từ môi trường mạng, việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khi bị xâm hại, việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân phát tán những thông tin không lành mạnh trên mạng internet, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.
Qua tổng hợp, tại Diễn đàn, các em đã nêu ý kiến và đặt câu hỏi về 4 nhóm vấn đề: Giảm áp lực trong học tập, thi cử; Bảo vệ trẻ em trong môi trường số; Phòng chống xâm hại trẻ em; Thiếu địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Các câu hỏi rất thông minh và thực tế được các bạn tự tin gửi đến các cô chú lãnh đạo. Các em hỏi quản lý trẻ em là cần thiết nhưng nếu bố mẹ can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của trẻ em? Tương lai trẻ em đi đến đâu sau khi bị xâm hại tình dục. Các cô chú có giải pháp gì để giúp các em khi bị xâm hại tình dục?
Bên cạnh đó, có một số ý kiến của các em mang tính chia sẻ rất sâu sắc. Điển hình như em Nguyễn Như Khôi, Phó Chủ tịch Hội đồng trẻ em thành phố đã hỏi: đối với các bạn lanh thang, vô gia cư nếu không có phương tiện liên lạc, cụ thể là điện thoại, máy tính thì khi có vấn đề về bạo lực xâm hại, các bạn sẽ báo với ai? Hoặc câu hỏi của bạn Phạm Minh Thư: hiện nay có nhiều bạn muốn kiếm tiền đã tập kinh doanh trên một số trang mạng xã hội, chúng em có nên tiếp tục hay không và nếu tiếp tục việc làm này thì có vi phạm pháp luật hay không?...
Đối với mỗi câu hỏi đưa ra đều đã được các bác, các cô chú đại diện cơ quan quản lý Nhà nước giải đáp, có thể chưa thỏa mãn đối với các em nhưng về cơ bản đã giúp các em có thêm nhận thức về vấn đề mà các em tìm hiểu.
Trong phần trực tiếp giải đáp của mình, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã cung cấp thêm một số thông tin cho các em. Bà Nga cho biết, Luật Trẻ em quy định trẻ em có 25 nhóm quyền trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Luật cũng quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Nghị định 56 của Chính phủ dành cả một chương quy định các cơ quan, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có trách nhiệm kịp thời gỡ bỏ những nội dung ảnh hưởng đến trẻ em và kịp thời có thông tin cải chính. Việc tham gia kinh doanh trên môi trường mạng trẻ em có thể mua các thiết bị cần thiết. Hiện luật pháp không cấm trẻ em tham gia kinh doanh trên môi trường mạng nhưng nếu quá đam mê sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết, nếu tham gia vào môi trường mạng trên 3h/ngày, nhất là đối với nhóm trẻ em dưới 13 tuổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tình hình học tập. Đây mới là điều các cháu cần phải tự điều chỉnh vì luật pháp có chế tài bảo vệ các cháu nhưng bản thân các cháu cũng phải hiểu và nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình.
Riêng đối với thông tin bạo lực, xâm hại trẻ em, hiện chúng ta đã có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với dãy số rất dễ nhớ:111 và hoàn toàn miễn phí, nếu các em lang thang, vô gia cư bị bạo lực, xâm hại hoặc có thông tin các bạn có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại chỉ cần thông báo cho một người có điện thoại nhờ gọi đến tổng đài sẽ có người tiếp nhận và kết nối xử lý thông tin. “Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, chỉ cần biết bạn nhỏ tên là gì, ở đâu, đang bị bạo hành hay cần hỗ trợ gì sẽ có người hỗ trợ. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng phải báo cáo em bé đó đã được kết nối hỗ trợ như thế nào”, đây là thông tin chính thức do đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin tại diễn đàn.
Ngay sau khi cùng lắng nghe ý kiến của các em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nội dung mà các em đã đặt câu hỏi và nêu vấn đề. Các em đã có các hình thức chuyển tải thông điệp đa dạng như vẽ tranh, bài viết, thuyết trình với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 được tổ chức với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” nhằm phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em, phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và cộng đồng cùng chung tay xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp thiết thực và hiệu quả để hạn chế và ngăn ngừa các tác động tiêu cực mà thế giới công nghệ số đối với trẻ em nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn. “ Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện quyền trẻ em và đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút các em tham gia”, Thứ trưởng Hà nhấn mạnh
Tại diễn đàn, đại diện trẻ em đã trao thông điệp của Diễn đàn trẻ em 2018 cho lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hà Nội. Các thông điệp các em chuyển tải: Hãy lên tiếng bảo vê quyền lợi chính đáng cảu trẻ em; Bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại, bạo hành, bóc lột là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội; Hãy xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện; Internet là con dao hai lưỡi – Sống ảo, hậu quả thật; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Hãy chung tay ngăn chặn văn hóa phẩm không lành mạnh để bảo vê trẻ em; Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em; Hãy giúp trẻ em thông minh, sáng suốt để có thể làm chủ công nghệ số; Hãy hành động vì một xã hội không có bạo lực và xâm hại trẻ em.
Đăng Doanh
-
Chương trình "Tết cho trẻ em nghèo" trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
12-01-2025 20:07 40
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47