Doanh nghiệp FDI ở Hưng Yên tạo việc làm cho 56.500 lao động
(LĐXH)- Theo báo cáo ngày 4/11 của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên, tính đến hết tháng 10/2021, các doanh nghiệp FDI trong các KCN trên địa bàn đã tạo việc làm cho 56.500 lao động.
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giữa ba thành phố lớn (Hà Nội, Hải Dương, Nam Định), lại có địa hình bằng phẳng, Hưng Yên sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 15 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, với tổng diện tích là 3.887,23 ha. Trong đó có 10 KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Chủ trương đầu tư với diện tích đất quy hoạch là 2.317,24 ha, gồm: KCN Phố Nối A (688,94 ha), KCN Dệt may Phố Nối (121,81 ha), KCN Thăng Long II (345,2 ha), KCN Minh Đức (198 ha), KCN Yên Mỹ (280 ha), KCN Yên Mỹ II (97,5 ha), KCN Minh Quang (150 ha), KCN Kim Động (100 ha), KCN sạch (143,08 ha) và KCN số 5 (192,64 ha).
Người lao động làm việc tại nhà máy sản xuất lắp ráp điều hòa của Công ty Cổ phần Daikin Việt Nam (KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên)
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp ở Hưng Yên thời gian qua đã tạo sinh kế, việc làm ổn định cho rất nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Tính đến cuối tháng 10/2021, các doanh nghiệp dân doanh tại các KCN đã giải quyết việc cho 14.500 lao động, doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho 56.500 lao động; bao gồm: 2.200 lao động quản lý, 4.000 lao động chuyên môn kỹ thuật và 64.800 lao động phổ thông.
Qua đánh giá, để duy trì việc làm, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, giãn cánh... do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện một số chính sách như: thực hiện chi trả lương ngừng việc cho những lao động phải ngừng việc để chấp hành việc cách ly tập trung theo quy định của chính quyền địa phương hoặc theo yêu cầu của Công ty (trả lương 75% và vẫn đóng BHXH); cho mượn ngắn hạn người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp cùng nhóm ngành khi bị thiếu hụt nguồn lao động do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thực hiện tốt chế độ hỗ trợ kinh phí “xa nhà” cho người lao động phải ở lại Công ty làm việc trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, hoặc chi trả chi phí khách sạn cộng thêm chi phí “xa nhà” cho người lao động không thể về nhà hàng ngày (từ 200.000 - 600.000đồng/người/tháng); tổ chức đưa đón người lao động đi về hàng ngày hoặc thuê nhà trọ gần nhà máy cho người lao động và thanh toán tất cả các chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động...
Có thể thấy, số lao động của các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Hưng Yên tăng trong thời gian vừa qua là do các KCN trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ổ dịch tại doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì ổn định. Một số doanh nghiệp trong các KCN tỉnh sau thời gian triển khai đã đưa dự án vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đưa toàn bộ dự án vào hoạt động. Cùng với đó là nguồn lao động cung ứng tại địa phương khá dồi dào do có sự dịch chuyển lao động từ các khu vực phía Nam về địa phương.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48