Xã hội
Gần 70 chương trình, dự án được hưởng lợi từ Làng trẻ em SOS quốc tế
05:51 PM 12/02/2019
(LĐXH)- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Làng trẻ em SOS quốc tế là đối tác lâu năm, gắn bó nhất, thân thiết đối với Việt Nam nói chung, Bộ LĐTB&XH nói riêng trong suốt 32 năm qua.
Sáng 12/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp thân mật ông Gunther Platter, Tỉnh trưởng tỉnh Tyrol, Cộng hòa Áo; Đại sứ Cộng Hòa Áo tại Việt Nam Thomas Schuller-Götzburg; Chủ tịch danh dự Làng SOS quốc tế Helmut Kutin. Tham dự buổi tiếp còn có Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tiếp đoàn công tác Cộng hòa Áo
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Làng trẻ em SOS quốc tế là đối tác lâu năm, gắn bó nhất, thân thiết đối với Việt Nam nói chung, Bộ LĐTB&XH nói riêng trong suốt 32 năm qua. Từ 2 dự án ban đầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có gần 70 chương trình, dự án tại 17 tỉnh, thành phố được hưởng lợi từ nguồn tài trợ này. Hầu hết kinh phí cho xây dựng cơ bản và hoạt động của các chương trình, dự án đều do tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế. Bên cạnh khoản tài trợ trên 130 triệu USD, Bộ LĐTB&XH cũng như các tỉnh, thành phố đều cấp kinh phí, hỗ trợ các Làng hoạt động tốt.
Ông Gunther Platter, Tỉnh trưởng tỉnh Tyrol phát biểu tại buổi tiếp
Bộ trưởng nhấn mạnh, đến nay 17 Làng trẻ em SOS ở Việt Nam đã nuôi dưỡng trên 6.000 cháu, trong đó gần 3.000 cháu đã trưởng thành, hòa nhập cộng đồng. Tại 16 trường mẫu giáo, 12 trường phổ thông Hermann Gmeiner và 1 trường trung cấp nghề thuộc hệ thống trường giáo dục của Làng hiện có khoảng 15.000 học sinh theo học mỗi năm, trong đó trung bình 10% là trẻ em hiện đang được nuôi dưỡng tại hệ thống các Làng trẻ em SOS của Việt Nam. Hiện có gần 1.300 cán bộ, nhân viên, bà mẹ, bà dì đang làm việc tại các chương trình dự án Làng trẻ em SOS Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia rất quan tâm đến quyền trẻ em, là nước thứ 2 trên thế giới và đầu tiên ở châu Á ký và thông qua Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.
Với những kết quả đã đạt được, Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao sự hỗ trợ cả SOS quốc tế và ngài Chủ tịch đối với Việt Nam. Các khoản tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế đã được sử dụng một cách hiệu quả, được quản lý và giám sát một cách chặt chẽ. Bộ cũng đã cử một Thứ trưởng làm Chủ tịch Làng trẻ em SOS Việt Nam thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cho Làng trẻ em SOS Việt Nam. 
Bộ trưởng cho biết thêm, tới đây Việt Nam sẽ có văn bản pháp lý để giúp làng trẻ SOS Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời yêu cầu các địa phương có hỗ trợ nguồn lực để giúp đỡ làng trẻ SOS Việt Nam tại địa phương và hỗ trợ cho các bà mẹ của làng SOS Việt Nam. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường lực lượng đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn, quản lý của làng.
Tại buổi tiếp, ngài Tỉnh trưởng tỉnh Tyrol, Cộng hòa Áo Gunther Platter cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm tốt đẹp của Bộ trưởng dành cho đoàn. Ông rất ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, đánh giá cao quyền con người và bảo vệ trẻ em của Việt Nam.
Ông Gunther Platter cũng cho biết, ý tưởng hình thành Làng trẻ em SOS xuất phát từ một thị tứ của tỉnh Tyrol cách đây 70 năm, sau đó mô hình nhân đạo này đã phát triển ra toàn thế giới. Hàng năm, chính quyền của tỉnh luôn dành sự quan tâm lớn cho làng trẻ em SOS. Với tinh thần đó, ông và đoàn đem tình cảm dành cho trẻ em đến Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các bà mẹ tại các Làng, do đó bên cạnh những phần thưởng xứng đáng, họ cần được chăm lo khi về già, có lương hưu.
*** Cũng tại buổi tiếp, ông Gunther Platter đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục đào tạo, nhất là tăng cường hợp tác về nhân lực, đào tạo nghề. Hiện nhiều sinh viên tỉnh Tyrol đã và đang học tập tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, song việc phối hợp đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Áo với Việt Nam thì chưa có. 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá của Việt Nam. Hệ thống đào tạo Việt Nam hiện nay đang hình thành hai hệ thống, đó là hệ thống đào tạo hàn lâm và hệ thống đào tạo nghề. Hiện Bộ quản lý 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, ý kiến của ngài Tỉnh trưởng rất thỏa đáng và Bộ LĐTBXH sẽ bàn với các Bộ liên quan về việc phối hợp và hướng tới hình thành một nhóm làm việc về vấn đề này, để tiến tới ký kết với cấp liên bang hoặc ký trực tiếp với tỉnh Tyrol./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa: