Giáo dục - Nghề nghiệp
Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhìn từ kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh
09:16 AM 27/10/2021
(LĐXH) Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng và thắt chặt mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp một cách bền vững, coi đây là phương án tối ưu để đạt được sự đồng thuận và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài cho cả 2 bên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.
Được thành lập từ năm 1986, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có bề dày kinh nghiệm trên 35 năm, tham gia cung cấp nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Hiện nay Nhà trường đào tạo 43 ngành bậc Cao đẳng, 43 ngành bậc Trung cấp với các nhóm ngành: Điện – Điện tử , Cơ Khí, Động lực, Nhiệt lạnh, Công nghệ thông tin, May – Thời trang, Kinh tế, Tiếng Anh, Xây dựng, Du lịch và Khách sạn.
Trong thời gian qua, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường về công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học và ứng dụng, đổi mới chương trình - giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, khảo thí và kiểm định chất lượng, các hoạt động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước... đã được Nhà trường quan tâm đầu tư một cách tích cực. Trong đó, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên (CBGVNV) của trường đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý và tổ chức đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, vì toàn trường đều nhận thức rõ việc xây dựng mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cũng là yêu cầu cấp bách để góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường hơn 300 người, trong đó, 100% giảng viên đạt và vượt chuẩn về chuyên môn, về nghiệp vụ sư phạm. Chương trình đào tạo của trường, đặc biệt là các ngành đang xây dựng nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực ASEAN và nghề trọng điểm cấp quốc tế liên tục được cập nhật, cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (thành phố Hồ Chí Minh) tham gia khóa học thực tế

về chế tạo ô tô tại Công ty TNHH Kinh doanh và sản xuất Vinfast

Từ nhiều năm qua, Nhà trường đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý, tổ chức đào tạo theo định hướng gắn kết với doanh nghiệp, cụ thể là: Trường chủ động nghiên cứu những thông tin phân tích và dự báo về chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, về thị trường lao động trong dài hạn. Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Hội đồng khoa học Nhà trường định kỳ nghiên cứu các số liệu phân tích, dự báo về xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quốc gia, của Thành phố Hồ Chí Minh qua các thông tin do Chính phủ, các Bộ, ngành, Cục Thống kê, thông tin do “Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh” cung cấp. Trên cơ sở đó, Nhà trường điều chỉnh các kế hoạch chiến lược, kế hoạch trung hạn của trường một cách phù hợp, chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi ngành do Trường đề xuất với Tổng cục GDNN hàng năm luôn cố gắng bám sát các kết quả nghiên cứu trên để vừa đón đầu nhu cầu của thị trường lao động vừa tăng quy mô đào tạo một cách hợp lý.
Ban lãnh đạo Trường đã chủ động tổ chức những cuộc Hội nghị, gặp gỡ doanh nghiệp, liên tục nghiên cứu và trao đổi, đặc biệt với các doanh nhân thành đạt là cựu GV và cựu HSSV của trường, để thống nhất về mục tiêu của mối liên kết theo tiêu chí hai bên cùng có lợi, nhằm khẳng định mối quan hệ Nhà trường – doanh nghiệp là tất yếu khách quan đối với cả hai bên. 
Do đó, trong những năm qua, trường đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để giúp thay đổi cách nhìn nhận của doanh nghiệp và chính CBGVNV của trường trong mối quan hệ Nhà trường – DN, gồm: Xác định rõ và nỗ lực tự thay đổi để mang đến những lợi ích của mối liên kết cho cả hai bên, Trường gắn với doanh nghiệp để hiểu về yêu cầu của người sử dụng lao động đối với sản phẩm đầu ra của Trường, từ đó chủ động điều chỉnh chuẩn đầu ra và các công tác tổ chức, quản lý đào tạo cho phù hợp. Doanh nghiệp gắn với Trường để có nguồn nhân lực bổ sung ổn định, tăng cơ hội chọn được những nhân sự có năng lực phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng dần số lượng và chất lượng các chương trình “Đào tạo kép” giữa Trường và doanh nghiệp trên cơ sở những kết nối lâu dài để mang đến lợi ích cho cả 3 bên: Nhà trường - doanh nghiệp - HSSV. Trường chủ động tăng thời lượng thực tập, thực hành tại doanh nghiệp của HSSV trên cơ sở thống nhất với doanh nghiệp của một khóa học, lý tưởng là tỷ lệ lý thuyết/thực hành vào khoảng 30/70; DN tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, tham gia hướng dẫn và giảng dạy cho HSSV bằng máy móc thiết bị tại nơi sản xuất kinh doanh để xây dựng năng lực làm việc thực tế cho HSSV. Khi tốt nghiệp, HSSV có thể đáp ứng tốt yêu cầu của DN và nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc mới; DN tuyển được nhân sự như mong muốn trong khi không cần phải tổ chức riêng một bộ phận đào tạo nội bộ với những tính toán về chi phí đào tạo, về xây dựng giáo trình và hàng loạt các chi phí khác; trường có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Không chỉ đào tạo cho HSSV của trường, chương trình đào tạo theo địa chỉ thông qua việc Trường ký hợp đồng liên kết đào tạo cho người lao động của doanh nghiệp cũng là một hoạt động quan trọng trong nội dung gắn kết. Hàng loạt các lớp nâng bậc nghề hay đào tạo chính quy đã được mở tại trường theo yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp. Trong những chương trình này, lợi ích của Trường và doanh nghiệp đều thể hiện rõ ràng qua hợp đồng liên kết đào tạo, những chương trình hợp tác này không đơn giản chỉ là sự hài lòng về hoàn thành hợp đồng, mà còn thu được những kết quả có giá trị về uy tín và sự tin tưởng của 2 bên dành cho nhau, để tiếp tục dẫn tới những hoạt động có chiều sâu hơn, như những tài trợ thiết bị máy móc có giá trị cao của DN cho các xưởng thực hành, tài trợ học bổng khuyến học cho HSSV, 2 bên tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Thực tế, Nhà trường đã tích cực phối hợp với DN tổ chức đào tạo và thi nâng bậc thợ cho công nhân, đào tạo theo đơn đặt hàng của các DN: Tổng Công ty Điện lực TP.HCM; Công ty TNHH Juki Việt Nam, Khu Chế xuất Tân Thuận - Quận 7 và Công ty Cổ phần Nakyco, Khu Công nghiệp Tân Phú Trung - Củ Chi, Công ty Phana, Công ty TDK Machining Việt Nam, Công ty TNHH MTV kỹ thuật Tú Lộc, Công ty TNHH Thiết bị lạnh và cách nhiệt TST; nhà máy Z756 Khu Công nghiệp quốc phòng Long Bình....
 Với những mối liên kết bền chặt, cùng có lợi giữa Trường và doanh nghiệp cho thấy trách nhiệm xã hội của cả Nhà trường và doanh nghiệp đang được thực hiện rất tốt và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trường chủ động mời doanh nghiệp tham gia điều chỉnh chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức hàng năm trong bài giảng để đáp ứng sự thay đổi nhanh về công nghệ và kỹ thuật tại doanh nghiệp, tăng thời lượng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp cho HSSV; tích cực và chủ động tăng cường hợp tác đào tạo với doanh nghiệp ở các nội dung: Xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, phân bổ chương trình để doanh nghiệp tham gia đào tạo một số mô - đun học phần, báo cáo chuyên đề về công nghệ hiện đại, tham gia tổ chức và hỗ trợ các hội thi giỏi nghề cho HSSV, tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV thực tập tốt nghiệp và đảm bảo 100% HSSV có việc làm sau khi ra trường; Tạo điều kiện cho DN phối hợp hỗ trợ các hoạt động học tập và giáo dục của Nhà trường và tăng cường cung cấp kiến thức về kỹ năng sống cho HSSV.
Trường yêu cầu các HSSV khi thực tập tốt nghiệp và thực hành tại doanh nghiệp cần phải đạt được các kết quả: vận dụng kiến thức và kỹ năng thu nhận từ nhà trường vào thực tiễn; tiếp tục phát triển các kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp; thay đổi thái độ và hành vi đối với việc học tập; biết cách thích nghi nhanh chóng với văn hóa doanh nghiệp và bổ túc nhận thức của HSSV về định hướng nghề nghiệp.
Sau các Hội nghị, Hội thảo thống nhất quan điểm về một số nội dung gia tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo nghề và sử dụng lao động, Trường và doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều giải pháp, như: Doanh nghiệp tham gia vào xây dựng, góp ý sửa đổi các chương trình đào tạo; tham gia đào tạo kể cả kỹ năng mềm và cùng Trường hướng dẫn HSSV thực tập tại các doanh nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất, vào các xưởng trường, các phòng thí nghiệm; tài trợ cho các hoạt động học thuật, hoạt động chuyên môn, khuyến học và các hoạt động của HSSV; Trường cùng doanh nghiệp tích cực hợp tác trong mảng tư vấn và chuyển giao công nghệ để mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Nhà trường cũng định kỳ (mỗi 6 tháng) tổ chức thực hiện khảo sát, thu thập ý kiến đánh giá của đơn vị sử dụng lao động về mức độ đáp ứng của HSSV tốt nghiệp đang làm việc tại tất cả các doanh nghiệp có sử dụng lao động của Trường.
Trường đã thành lập Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp làm cầu nối hiệu quả giữa nhà trường với doanh nghiệp. Trung tâm này có chức năng nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp, tư vấn cho Nhà trường ký kết các biên bản ghi nhớ giữa Trường và doanh nghiệp để đưa HSSV đi thực tập, tạo cơ hội giới thiệu việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Hằng năm, Trung tâm phụ trách việc tổ chức các ngày Hội việc làm tại trường, chủ động mời các DN đến trường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với HSSV để giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của trường với các DN, cũng như giúp HSSV có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng của các DN, về cơ hội nghề nghiệp...
Trường coi nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho CBGVNV và HSSV là một mục tiêu lớn trong các kế hoạch chiến lược, kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm của trường. Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và tin học của HSSV được trường nâng dần lên một cách hợp lý, hiện là 450 điểm TOEIC đối với HSSV các nghề trọng điểm, 350 điểm TOEIC đối với HSSV các nghề khác. Ngoài việc động viên, khuyến khích CBGVNV và HSSV học ngoại ngữ và tin học theo chế độ quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, mục tiêu này được Trường bàn bạc với các doanh nghiệp và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ thiết thực, từ việc hỗ trợ các tài khoản học ngoại ngữ, tin học trực tuyến; các trung tâm ngoại ngữ cử giáo viên bản xứ đến tham gia giảng dạy chính khóa và ngoại khóa (tại câu lạc bộ Tiếng Anh) cho HSSV; đến việc các tổ chức giáo dục của nước ngoài hỗ trợ CBGVNV và HSSV về tài liệu học tập, hỗ trợ các hoạt động thi cử theo chuẩn quốc gia và quốc tế.
Bằng việc triển khai các giải pháp tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp nêu trên, HSSV của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh được xã hội đánh giá cao qua chất lượng đào tạo và tỷ lệ được tuyển dụng có việc làm đúng chuyên ngành tăng dần hàng năm. Tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề trung bình là 92%, mức lương tháng khởi điểm bình quân của các em tại doanh nghiệp là khoảng từ 7,5 triệu đến 10 triệu đồng.
Thảo Lan
 
Từ khóa: