Gia Lai chú trọng tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH)- Xác định rõ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đóng vai trò hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, do đó tỉnh Gia Lai đã chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách BHTN đến người lao động, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 15.510,013 km2. Dân số trung bình năm 2020 của tỉnh là 1.541.829 người. Mật độ dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã và các trục đường giao thông như: thành phố Pleiku là 999 người/km2, thị xã An Khê 334 người/km2. Còn các vùng sâu, vùng xa dân cư thưa thớt, mật độ thấp như: huyện Kông Chro 37 người/km2, huyện Kbang 36 người/km2.
Lực lượng lao động năm 2020 là 898.843 người, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 884.298 người. Trong đó, lao động nam chiếm 52,12%, lao động nữ chiếm 47,88%; lực lượng lao động khu vực thành thị chiếm 26,57%, lực lượng lao động khu vực nông thôn chiếm 73,43%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33,79%.
Toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp (trong đó có 02 khu công nghiệp đang hoạt động và 01 khu công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng) với 87 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 2.200 lao động.
Trong 21 chỉ tiêu chủ yếu năm 2021 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, dự ước có 16 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch và 05 chỉ tiêu không đạt là tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Dự kiến tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,03% so với năm 2020; trong đó: nông – lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,43%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,98%, dịch vụ tăng 3,7%, thuế sản phẩm tăng 57,62%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 34,96%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,91%, dịch vụ chiếm 31,56%, thuế sản phẩm 4,58%. GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2021 ước đạt 70.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 610 triệu USD đạt Kế hoạch và tăng 5,17% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 7.170,9 tỷ đồng, đạt 157,5% dự toán Trung ương giao, 142,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 54,93% cùng kỳ.
Đến tháng 10 năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.258 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 32 doanh nghiệp nhà nước; 07 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 4.219 doanh nghiệp dân doanh. Tình hình sử dụng lao động. Chia theo loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước 16.357 người, doanh nghiệp dân doanh 44.275 người, doanh nghiệp FDI 1.409 người; chia theo loại lao động: lao động quản lý 3.342 người, lao động chuyên môn kỹ thuật 10.831 người, lao động phổ thông 47.676 người.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tính từ năm 2020 - 2021, Ngành Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp treo gần 4.600 băng rôn, trên 100.000 tờ rơi và các ấn phẩm sách tuyên truyền được cấp phát cho người lao động; xây dựng 07 pa nô truyền truyền về pháp luật lao động, trong đó có chính sách về BHTN; tổ chức trên 60 cuộc thi tìm hiểu về một số pháp luật liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động và tổ chức hàng chục cuộc mít tinh...
Tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức đối thoại về chính sách pháp luật lao động, BHTN với 50 công chức, viên chức ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội, cùng 120 doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức 04 lớp tuyên tuyền phổ biến pháp luật về pháp luật Lao động, BHXH, BHTN, ATVSLĐ cho 400 người sử dụng lao động và người lao động tại 04 doanh nghiệp trong tỉnh. Tổ chức 08 tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về pháp luật về BHTN và điều tra cung – cầu lao động cho hơn 1.200 lượt công chức, người lao động trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội…
Đặc biệt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Gia Lai đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau như: thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và lưu động; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHTN trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động. Kết quả đã tổ chức trên 50 phiên giao dịch việc làm, tuyên truyền, tư vấn cho trên 50.000 lượt người lao động, tổ chức trả lời trực tiếp các thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN tại các phiên giao dịch việc làm; trình chiếu các nội dung liên quan đến chính sách BHTN trong đĩa VCD do Cục việc làm phát hành trong các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Gia Lai còn dùng xe tuyên truyền lưu động qua loa phát thanh, treo băng rôn, pano, apphich, treo các bảng thông tin về chính sách BHTN tại các đơn vị có số lượng lao động lớn. Tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức công đoàn, nhằm tuyên truyền và giải đáp trực tiếp các thắc mắc của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn về chính sách BHTN…
Tiếp đó, để tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ BHTN cũng như tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách về BHTN. Mọi tài liệu liên quan đến từng hồ sơ, tiến độ giải quyết được cập nhật đầy đủ và phân cấp quản lý rõ ràng trên hệ thống điều hành. Khi đến nộp hồ sơ, người lao động được cán bộ hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết, bảo đảm các giấy tờ liên quan đúng, đủ so với quy định để làm căn cứ đề nghị giải quyết trợ cấp BHTN, giúp đối tượng thụ hưởng không phải mất công đi lại nhiều lần.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48