Xã hội
Gian nan rà phá bom mìn ở Quảng Trị
11:18 AM 11/07/2020
(LĐXH)-Trải qua hơn 40 năm sau chiến tranh, Quảng Trị có hơn 3.400 người chết và 5.100 người bị thương do bom mìn, vật nổ còn sót lại, trong đó có rất nhiều trẻ em…
Nhiều năm qua, việc dọn dẹp hậu chiến để cuộc sống người dân được bình an, để nhà đầu tư khắp nơi tìm đến, có sự góp phần không nhỏ của hàng ngàn con người tham gia rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ. Những con người bao năm qua vẫn đang cần mẫn thực hiện công việc thầm lặng mà vô cùng nguy hiểm.
Hướng Hóa là một trong những huyện bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất ở tỉnh Quảng Trị. Đường 9, Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Làng Vây… là những địa danh nổi tiếng khốc liệt trong chiến tranh, nhất là những năm 1967 - 1968. Tính từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Hướng Hóa đã làm trên 700 người chết, hơn 200 người bị thương.
Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) của Hoa Kỳ - là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên, tiến hành làm sạch bom mìn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trồng cây xanh cải tạo môi trường ở huyện Hướng Hóa.
Chuyển bom đến vị trí tiêu hủy
Nằm ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào (địa bàn huyện Hướng Hóa) là đội rà phá bom mìn lưu động EOD thuộc PTVN. Tại đây, một nhóm EOD đang dùng xẻng hì hục đào hố đất với đường kính khoảng 3,5m, sâu chừng 4m, xung quanh vị trí mà máy móc xác định là có quả bom lớn. Trong lúc đó, một nhóm khác đã buộc xong sợi dây thừng vào gốc cây lớn trên đỉnh đồi, rồi gắn với hệ thống thanh đỡ bố trí ở miệng hố. 3 nhân viên mang thiết bị chuyên dụng buộc chặt sợi dây thừng vào thắt lưng từng người, thả xuống hố mới đào để sục, xói tạo khoảng hở đầu đáy để ngòi nổ của bom không va chạm với bất kỳ vật dụng nào trong quá trình kéo bom ra khỏi lòng đất.
Chị Nguyễn Thị Lệ Khuyên, Đội phó Đội rà phá hiện trưởng của EOD, tâm sự: Việc vô hiệu hóa bom mìn ở khu vực biên giới là nhiệm vụ khó khăn, không chỉ vì địa hình đồi núi hiểm trở mà còn những bãi mìn dày đặc, với nhiều loại khác nhau, chỉ cần bước chân lên là có thể phát nổ. Những ngày đầu, có lúc tôi nghĩ mình không thể gắn bó với công việc này vì xa gia đình, con nhỏ, nắng lẫn mưa đều khổ. Giờ thì đã quen với cái nóng ngót nghét 40°C, những đợt gió Lào quạt lửa, hay cái lạnh thấu xương. Từ lâu, đã không còn cảm giác rợn người khi gặp bom mìn nữa.
Ông Nguyễn Khắc Thắng, một trong 9 người vinh dự được cấp chứng chỉ xử lý vật liệu nổ theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế IMAS EDO III, cho biết: Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mọi động tác phải chính xác 100%. Phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc đang làm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và nhân dân. Thời tôi viết đơn tham gia dự án, nhiều người can ngăn rằng sao lao vào chỗ chết? Sau này, con trai tôi cũng chọn con đường mà tôi đang đi, người ta lại lắc đầu cho rằng cả nhà tôi có vấn đề. Tôi tự nhủ, ai cũng nghĩ thế thì đất Quảng Trị đến bao giờ ngừng tiếng bom.
Được thành lập vào tháng 8/2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom mìn duy nhất trong 40 đội rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị. Đội có 14 thành viên, trong đó 13 người là nữ với nhiệm vụ rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng. Sau hơn 1 năm, các chị đã rà tìm, phát hiện và hủy nổ hàng trăm vật liệu nổ các loại, trả lại hàng trăm ngàn mét vuông đất an toàn cho người dân canh tác.
Các thành viên đội MAT 19 rà phá bom mìn trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) 
Chị Trương Thị Thu Vân, 26 tuổi ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị), là thành viên trẻ tuổi nhất ở MAT 19. Chị mới có gần 2 năm làm công việc rà phá bom mìn nhưng chừng ấy thời gian, cũng đủ để chị rút ra bài học trong nghề, đó là không được sai sót và cũng không có chuyện rút kinh nghiệm, vì chỉ cần một sai sót dù là nhỏ nhất, cũng phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Theo chị Trương Thị Thu Vân, bom chùm rất nguy hiểm, chỉ cần chạm vào hoặc di chuyển sẽ phát nổ ngay. Do đó, bom chùm được đánh dấu vị trí ngay khi phát hiện và tiến hành hủy nổ tại chỗ vào cuối giờ làm việc. Đối với những quả bom có kích thước lớn, đơn vị vận chuyển về bãi nổ tập trung để hủy nổ.
Còn chị Trần Thị Hạnh, 44 tuổi, ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng là thành viên của MAT 19 và đã có 12 năm làm việc cho MAG. Chị Trần Thị Hạnh, tâm sự: Mỗi khi nghe thấy tiếng hủy nổ bom mìn thành công, trong lòng cảm thấy bình yên hơn bởi sau đó cuộc sống của cư dân xung quanh được đảm bảo an toàn. Nhìn người dân trồng những vườn ngô, luống khoai phủ xanh vùng đất đã được làm sạch bom mìn, chúng tôi thực sự thấy hạnh phúc.
Vào cuối tháng 2/2020, trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Quảng Trị, bà Brown Karen Veronica, Chủ tịch Hội đồng quản trị MAG đã chia sẻ về mục tiêu, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn” với bom mìn vào năm 2025. Đồng thời cam kết, MAG sẽ tích cực vận động các nguồn viện trợ quốc tế, để hỗ trợ tỉnh Quảng Trị đạt được mục tiêu này.
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao đổi: Hiện nay, Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung rất cần có những đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm, phương pháp và sự hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế, để rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh.

Chí Tâm

 

Từ khóa: