Giáo dục - Nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
04:48 PM 20/09/2019
(LĐXH) - Theo đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo giáo dục Việt Nam 2019 về chủ đề phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.
Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) có sự tham dự của đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại; đặc biệt là đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới - giai đoạn mà Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, theo đó, phải ưu tiên để tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chủ trương này càng được quán triệt đầy đủ, để giáo dục và đào tạo thực sự là đòn bẩy của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là tiền đề quan trọng để tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Đồng chí Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng của Quốc hội điều hành Hội thảo
Trong hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước hội nhập tích cực theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Trong thành quả chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của giáo dục nghề nghiệp với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
“Tôi rất hoan nghênh việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Đây là chủ đề vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN . Như vậy, so với năm 2018, giảm 37 cơ sở. Hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ, nhất là trong việc xây dựng văn bản QPPL để thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Công tác tuyên truyền về GDNN được chú trọng, nhận thức của người học, người dân và xã hội về GDNN đã có những chuyển biến nhất định; kết quả tuyển sinh trong 2 năm 2017, 2018 đã bắt đầu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.  Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN (chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới GDNN. Chất lượng và hiệu quả GDNN có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%.  Bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
 Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo đạt tỷ lệ cao và có thu nhập ổn định đã tác động tốt đến tâm lý của người học và xã hội, góp phần làm thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của xã hội về học nghề, lập nghiệp. - Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở GDNN. Năm 2016, cả nước tuyển sinh được 2.047.667 người. Từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những thay đổi nên kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.
Thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, từ năm 2014 cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Hiện nay, trước bối cảnh thống nhất hệ thống GDNN, Bộ LĐTB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 761/QĐ-TTg, dự kiến lựa chọn 86 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ trở thành trường chất lượng cao. Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lựa chọn, phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
Toàn cảnh Hội thảo
Về đào tạo theo các chương trình chất lượng cao quốc tế, hiện nay, Bộ đang triển khai thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cấp độ quốc tế từ Úc và Đức cho khoảng 2.000 sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường sinh viên sẽ được cấp 02 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc của Đức). Người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế hoặc có thể học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Úc, CHLB Đức.
Xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, từ năm 2016, nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai như khuyến khích các cơ sở GDNN và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo. Đã có nhiều doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh ký kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp...
 Tuy nhiên, công tác GDNN thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra.
Mạng lưới cơ sở GDNN còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; việc sáp nhập cơ sở GDNN ở một số địa phương còn mang tính hành chính, cơ học, chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp.
Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia hoạt động GDNN.
Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng GDNN còn hạn chế; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ban hành còn chậm; việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề chưa triển khai được rộng rãi;
Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra; nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN...
Phát triển GDNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu chung về phát triển giáo dục nghề nghiệp cần hướng tới trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...
 Hội thảo diễn ra trong thời gian 1 ngày, theo hình thức tương tác giữa các diễn giả (panelists) và đại biểu tham dự và được tổ chức thành 2 phiên, gồm phiên chung và phiên chuyên đề. Phiên chung, gồm: Báo cáo đề dẫn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về khuynh hướng của giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam; Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, thực trạng và định hướng phát triển; phóng sự về thực trạng chất lượng và chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp từ góc nhìn của chuyên gia và xã hội. Trong phiên chuyên đề sẽ có 3 chuyên đề lớn được trình bày, bao gồm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung  thảo luận các vấn đề chủ yếu sau: 
Thứ nhất, trong phần chung, các đại biểu tập trung quan tâm, thảo luận về quan điểm, xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
Thứ hai, về thể chế giáo dục nghề nghiệp các đại biểu tập trung vào phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế giáo dục nghề nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới quản lý nhà nước, thúc đẩy tự chủ, đổi mới quản trị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có sự so sánh giữa hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và của quốc tế. 
Thứ ba, về quan hệ doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp, nội dung tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo và cách làm để việc đào tạo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn sử dụng lao động của doanh nghiệp, trong đó có thảo luận về các mô hình đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp với những kinh nghiệm cụ thể cả trong nước và nước ngoài. 
Thứ tư, về bảo đảm chất lượng, các đại biểu đi sâu phân tích, làm rõ những mặt mạnh, yếu trong hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp; những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; từ đó đề xuất giải pháp, định hướng cho việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Thảo Lan
 
Từ khóa: