Hà Nam: Hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động
Với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương, tỉnh Hà Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp. Chỉ trong quý 1 năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 5.000 lao động (đạt 28,4% kế hoạch năm). Toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 17.500 lao động trong năm 2021.
Năm 2020, sau gần 3 năm làm việc tại khu công nghiệp Đồng Văn 1 (Hà Nam), chị Vũ Thị Xoan, xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng bị mất việc do công ty giải thể vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Không có việc, không có thu nhập gia đình gặp nhiều khó khăn nên chị Xoan mong sớm tìm được việc làm mới để chia sẻ gánh nặng với chồng. Sau nhiều lần tham gia phiên giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tổ chức, ngày 15/4, chị Xoan đã tìm được việc mới với thu nhập như mong muốn.
Còn anh Nguyễn Văn Đức, 35 tuổi ở huyện Lý Nhân từng có thời gian làm việc tại Hà Nội nhưng thu nhập không ổn định lại xa nhà. Anh Đức cũng đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tư vấn để tham gia tuyển dụng tại một số công ty và đã tìm được việc làm vào phiên giao dịch ngày 15/4.
Để đáp ứng nhu cầu về việc làm của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tư vấn ban đầu, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung tâm phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống và thông tin việc làm của doanh nghiệp; đồng thời khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị được trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động. Trong quý I năm 2021, tại các phiên giao dịch tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và giải quyết việc làm việc làm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm phối hợp tổ chức đã có 111 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 14.500 lao động.
Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đèn Led Đông Phương Hà Nam vừa thành lập hơn 4 tháng nên có nhu cầu tuyển dụng trên 500 lao động phổ thông. Thông qua sàn giao dịch việc làm, Công ty cũng tuyển được gần đủ số lượng lao động theo nhu cầu. Ông Hoàng Hà Giang, Phó Giám đốc công ty cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, Công ty tuyển được gần đủ số lao động. Tuy nhiên, để sản xuất đi vào ổn định, công ty vẫn cần phải tuyển trên 100 lao động trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh những thông báo đăng tuyển trực tiếp tại nhà máy, trên truyền thông, công ty mong muốn tham gia thêm nhiều phiên giao dịch việc làm để có thể tuyển đủ số lao động mà doanh nghiệp cần.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, phát huy hiệu quả của sàn giao dịch việc làm vào ngày 15 hằng tháng, Công ty mở rộng thêm sàn giao dịch vệ tinh tại các huyện, thị xã trong tỉnh để kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam phấn đấu tổ chức nhiều phiên trực tiếp và trực tuyến để thu hút từ 100 đến 200 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trên 2.000 lao động tham gia/phiên.
Trong năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nam tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch các dự thảo về thỏa thuận đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc; cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hà Nam; phân bổ chỉ tiêu giải quyết việc làm mới và việc làm thêm; chỉ tiêu giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo xuống các huyện, thị xã, thành phố. Sở cũng phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai công tác đào tạo nghề, dạy nghề; cung cấp thông tin về lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, Sở nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nam cho biết: Hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đang dần ổn định sản xuất kinh doanh, do đó dự báo thị trường lao động sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc. Ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, ổn định sản xuất kinh doanh./.
Đại Nghĩa
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48