Lao động
Hải Dương: Nghiêm túc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
08:40 PM 15/05/2024
(LĐXH) - Tỉnh Hải Dương đang chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024, với mục tiêu tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị chuyên đề ATVSLĐ về phân loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo điều kiện lao động năm 2024
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 được tỉnh Hải Dương phát động với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tham mưu tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 kết hợp với tổ chức Tháng Công nhân năm 2024. Tại các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức các Lễ mít tinh hưởng ứng hoặc các hoạt động hưởng ứng thiết thực, phù hợp với chủ đề, nội dung Tháng hành động có tính đến sự phù hợp với điều kiện, đặc thù và yêu cầu tại địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng tăng cường các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ như: Xây dựng, gửi, phát các thông điệp, tài liệu truyền thông về công tác ATVSLĐ trên phương tiện thông tin đại chúng tới các làng nghề, doanh nghiệp, đông đảo người lao động và người dân. Chú trọng thông tin về các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nguyên nhân các vụ TNLĐ, BNN, sự cố để phòng tránh TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các hệ lụy do TNLĐ, BNN gây ra để cảnh báo, tuyên truyền tới cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động.
Đồng thời treo băng rôn, áp phích tuyên truyền về ATVSLĐ tập trung ở các trục đường chính tại thành phố Hải Dương và một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn trong tỉnh sử dụng nhiều lao động. Tổ chức tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, các biện pháp phòng ngừa, bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động trên Đài phát thanh 12 huyện, thị xã, thành phố, hệ thống loa truyền thanh cơ sở các thôn, khu dân cư.
Các sở, ngành, địa phương lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý tập trung tuyên truyền về các vấn đề nổi cộm trong công tác ATVSLĐ của ngành, địa phương. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tuyên truyền đến người lao động bằng nhiều hình thức như treo băng zôn, áp phích, phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh tại doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị, gặp mặt người lao động; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung lồng ghép tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện. Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; rà soát, nhận diện, đánh giá các các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện…. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, đối thoại chính sách trong công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ATVSLĐ. Tổ chức thăm quan một số mô hình, cơ sở sản xuất kinh doanh điển hình trong công tác này.
Tỉnh Hải Dưỡng tổ chức thăm hỏi, động viên một số người lao động, thân nhân người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định. Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bố trí nguồn lực phù hợp, thăm hỏi, động viên một số người lao động, thân nhân người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức khen thưởng về ATVSLĐ, tập trung khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác ATVSLĐ trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát động các phong trào thi đua, ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, phân xưởng, tổ đội; Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác ATVSLĐ tại cơ sở, đơn vị. Thăm hỏi, động viên một số người lao động, thân nhân người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị mình.
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, đặc biệt trong các ngành, nghề, lĩnh vực; các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như xây dựng, khai khoáng, cơ khí, nhôm thép, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng điện, thiết bị nâng, thiết bị áp lực... Đối với UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về ATVSLĐ tại một số làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình, công trình xây dựng dân dụng có nhiều nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc, kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa./.
Hồng Phượng