Trong quá trình thi công xây dựng, nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết bị thi công gây hiệu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản mà một trong những nguyên nhân chính là người lao động và người sử dụng lao động đã không nhận thức tốt cũng như được đào tạo chuẩn mực về ATLĐ.
Trước thực tế này, UBND thành phố Hải Phòng vừa có Văn bản 538/UBND-XD2 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các Ban Quản lý dự án của thành phố, chủ đầu tư, chủ sở hữu/quản lý sử dụng công trình xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, chú trọng đến công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị cần chủ động kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình để thực hiện quản lý ATLĐ và giải quyết các vấn đề phát sinh về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ sử dụng trong thi công xây dựng công trình.
Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu thi công) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình; kiên quyết tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng và cấp quyết định đầu tư về chất lượng công trình, ATLĐ trong thi công xây dựng công trình do mình được giao làm chủ đầu tư, chủ sở hữu theo quy định.
Đối với nhà thầu thi công xây dựng, tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về ATLĐ trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng. Đối với các công trường nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, công trình xây dựng theo tuyến phải xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trong đó có biện pháp kỹ thuật an toàn đối với hố đào sâu (hố cọc, mỏng...) đang thi công để tránh người bị rơi ngã, tai nạn. Lưu ý tăng cường công tác quản lý công trường trong giai đoạn nghỉ, dừng thi công, đặc biệt trong các kỳ nghỉ dài vào các ngày lễ, Tết.
Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về ATLĐ đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn phù hợp với quy mô, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường theo quy định. Đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì người lao động phải được cấp Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động.
Trần Huyền
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47