Hậu Giang giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp nên kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang vẫn tăng trưởng đứng thứ nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,53%, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,1%%. Toàn tỉnh đã tạo việc làm và giải quyết việc làm mới cho 17.300 lao động (đạt 115,3% kế hoạch), số lao động được đào tạo nghề là 11.195 người (đạt 172% kế hoạch); trong đó đã đào tạo 2.245 lao động cung ứng theo nhu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,19% (vượt 3,51% so với kế hoạch)…
Có thể nói, các giải pháp điều hành của tỉnh Hậu Giang đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động Hậu Giang bị mất việc do dịch bệnh Covid-19
Để góp phần tích cực vào mục tiêu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hậu Giang đã và đang tập trung đầu tư, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tích cực nghiên cứu, tìm kiếm thị trường. Khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển các loại hình trang trại nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng CNH – HĐH. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển để tìm kiếm việc làm, nhất là từ khu vực nông thôn lên các vùng kinh tế trọng điểm, các khu và cụm công nghiệp; khuyến khích hình thức tự do di chuyển, thay đổi ngành nghề để đảm bảo mối quan hệ của thị trường lao động và giải quyết thêm việc làm cho người lao động trong thời gian nông nhàn và mùa vụ.
Đối với chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về giải quyết việc làm mà UBND tỉnh giao, ngành Lao động - TBXH tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua các hình thức tuyên truyền, mở sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác để giới thiệu việc làm cho người lao động…
Theo đó, Sở Lao động - TBXH Hậu Giang đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp tuyển dụng, đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong năm 2021. Bao gồm: Hợp tác xã Kim Ngân, Hợp tác xã Thanh Tú, Công ty Cổ phần May Nhà Bè – Hậu Giang, Công ty TNHH Jia Zhi, Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Minh Phú – Hậu Giang, Công ty TNHH MTV Bách Mỹ Nội Y, Công ty TNHH Giáp Quán Thăng, Công ty TNHH May Dung Hạnh... Theo biên bản ghi nhớ, tỉnh sẽ hỗ trợ tuyển dụng 10.900 lao động, hỗ trợ đào tạo 3.650 lao động cho doanh nghiệp.
Kết quả, trong 7 tháng năm 2021, đã hỗ trợ tuyển dụng được 1.452 lao động cho các doanh nghiệp; hỗ trợ giới thiệu, cung ứng được 1.049 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Lạc Tỷ II 1.247 lao động, Công ty TNHH MTV Bách Mỹ Nội Y 40 lao động, Công ty TNHH MTV Giáp Quán Thăng 165 lao động… Qua đó, góp phần nâng tổng số lao động đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới trong 8 tháng năm 2021 lên 11.752/15.000 lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hậu Giang, tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có khoảng 17.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như: mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cần quan tâm đến lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Tiếp đó, để đạt được các mục tiêu về giải quyết việc làm, hoạt động tuyên truyền, tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được Hậu Giang quan tâm đẩy mạnh. Trong 7 tháng năm 2021, các đơn vị có liên quan của tỉnh thực hiện 9 cuộc tư vấn về hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản cho đối tượng bộ đội xuất ngũ năm 2021 với 972 người tham dự; tổ chức cho 11 người lao động tham gia phỏng vấn đơn hàng đi làm việc Nhật Bản tại Công ty TNHH Nhân Lực Mirai và Công ty TNHH Tập toàn Quốc tế Sài Gòn (kết quả đã có 05 lao động trúng tuyển); phối hợp hỗ trợ tuyển dụng 11 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, đề nghị cung ứng 107 lao động. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động tỉnh Hậu Giang đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có việc thống nhất về cách hỗ trợ chi phí ban đầu và giải ngân vay vốn cụ thể cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
Trong buổi sơ tuyển người lao động đang học tập tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Tráng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sen Đại Dương (đóng tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao về chất lượng giảng dạy của Trung tâm và tác phong của các học viên Hậu Giang. Tại Trung tâm, các học viên được tư vấn về những ngành nghề đang được Công ty tuyển dụng để sang Nhật làm việc, như: dịch vụ mặt đất tại sân bay, vận hành máy, in ấn, công nghệ ô tô và chế biến thực phẩm... Sau khi được làm bài Test IQ cơ bản để đánh giá năng lực bước đầu, đã có 20/22 học viên tham gia bài Test IQ đạt, trong đó có 18 học viên tham gia sơ tuyển đạt yêu cầu.
Đặc biệt, theo Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh Hậu Giang về việc Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, người lao động sẽ được hỗ trợ không hoàn lại một phần chi phí ban đầu làm hồ sơ (đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí đi lại; lệ phí làm hộ chiếu, lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, lệ phí làm visa, chi phí khám sức khỏe) khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, người lao động thuộc các đối tượng là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo theo chuẩn; thân nhân của người có công với cách mạng và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp (nhóm đối tượng 1) được hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng. Người lao động thuộc các đối tượng còn lại (nhóm đối tượng 2) được cấp chi phí tối đa 7,5 triệu đồng. Mức chi các khoản hỗ trợ được tính theo chi phí thực tế và được thanh toán một lần sau khi xuất cảnh. Cả hai nhóm đối tượng đều được hỗ trợ cho vay tín chấp từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang với mức vay tối đa 100% chi phí xuất cảnh.
Có thể khẳng định, những nỗ lực giải quyết việc làm trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19 của Hậu Giang đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của chính người lao động. Từ nay đến cuối năm 2021, ngoài việc tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; nghiên cứu đổi mới công tác khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích, xử lý, dự báo ngắn hạn và dài hạn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó là cung cấp thông tin thị trường lao động và nâng chất lượng thông tin thị trường cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp, nhất là đối với người lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cho vay, giải quyết việc làm, chú trọng các dự án phi nông nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm kết hợp với dự án dạy nghề nông thôn để đạt hiệu quả tối ưu; dự báo, định hướng các ngành nghề cụ thể theo hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…/.
Chí Tâm