Hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm ở Đắk Nông
(LĐXH)- Để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Đắk Nông đã đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác để tạo việc làm mới cho người lao động và đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Đến nay, rất nhiều lao động trong tỉnh sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Theo thống kê, dân số tỉnh Đắk Nông là 640.351 người, trong đó khu vực thành thị chiếm 15,24% dân số, khu vực nông thôn chiếm 84,76%. Dân số trong độ tuổi lao động 383.088 người, số lao động tham gia hoạt động trong nền kinh tế là 378.892 người, chiếm 59,17% dân số.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 45% (tăng 10% so với năm 2015), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,52% năm 2015 lên 22,03% năm 2020.
Hiện nay, Đắk Nông có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị có chức năng đào tạo nghề, gồm: 01 trường Cao đẳng, 01 trường trung cấp, 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 02 đơn vị có chức năng đào tạo nghề thường xuyên dưới 03 tháng và 02 doanh nghiệp có chức năng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp Đắk Nông thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững
Qua đánh giá, tuy số lượng lao động qua đào tạo qua các năm đều tăng, nhưng chất lượng lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động chung của cả nước. Phần lớn lao động qua đào tạo nghề là ở trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn với các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp; kỹ năng nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người lao động chưa cao.
Đắk Nông còn là địa phương có lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ trọng khá lớn, số lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn ít, năng suất thấp; thiếu đội ngũ công nhân lành nghề, thợ bậc cao... do vậy chưa hấp dẫn các nhà đầu tư cần nhiều lao động.
Bên cạnh đó, Đắk Nông là tỉnh có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, hiện có 40 dân tộc đang sinh sống chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, kinh tế văn hóa xã hội chậm phát triển so với các tỉnh, thành khác.
Tỷ lệ lao động tham gia hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 57% nên số lượng lao động được giải quyết việc làm tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu tính ổn định, năng xuất lao động còn thấp; ngành công nghiệp chậm phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên khả năng tạo việc làm từ các doanh nghiệp cho lao động của địa phương rất thấp.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Nông, giai đoạn 2016 – 2020, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm là 90.629/90.000 lượt người (đạt 100,7% kế hoạch), bình quân giải quyết việc làm cho 18.125 lượt người/năm. Trong đó, số lao động trong nước là 89.769 lượt người, chiếm 99,05%; lao động làm việc trong công nghiệp và xây dựng là 24.723 lượt người (chiếm 27,55%), nông lâm nghiệp là 42.159 lượt người (chiếm 46,96%), thương mại và dịch vụ là 22.887 lượt người (chiếm 25,49%); số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 860 lao động, chiếm 0,95% tổng số lao động được tạo việc làm, đạt 101,17% so với kế hoạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Đắk Nông có 9.128 lượt lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm, đạt 50,71% so với kế hoạch năm. Trong đó có 9.001 lượt người được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm trong nước, chiếm 98,60%; lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 2.593 lượt người, nông lâm nghiệp 4.289 lượt người, thương mại và dịch vụ 2.119 lượt người; số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 127 lao động, đạt 63,5% kế hoạch năm.
Đến nay, cơ cấu lao động của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp giảm từ 63,61% năm 2016 xuống còn 57,50% năm 2020; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 12,27% năm 2016 lên 15,18% năm 2020; thương mại và dịch vụ tăng từ 24,12% năm 2016 lên 27,32% năm 2020.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 2,13% xuống còn 1,14% (khu vực thành thị 3,56%, khu vực nông thôn 0,73%); tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 0,95% (khu vực thành thị 0,42%, khu vực nông thôn 1,04%)…
Thời gian qua, xác định giải pháp để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm hiệu quả cho người lao động, tỉnh Đắk Nông đã đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cũng như các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác để tạo việc làm mới cho người lao động.
Bên cạnh đó, vay vốn Quỹ quốc gia việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác cũng đã cho 33 người lao động ở Đắk Nông vay ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền 1,813 tỷ đồng. Các lao động được vay vốn chủ yếu là lao động thuộc hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng và lao động nữ; thị trường làm việc gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác của tỉnh Đắk Nông đã góp phần tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho nhân dân, nhất là người lao động tại khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân.
Theo đánh giá của các địa phương trong tỉnh, mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lao động yếu thế như: lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay đi làm việc ở nước ngoài từ ngân sách tỉnh ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng trăm lao động thuộc hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động là thanh niên mới xuất ngũ trở về địa phương, lao động thuộc gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, chính từ sự quan tâm tới công tác giải ngân và cho vay vốn kịp thời, nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn giải quyết việc làm đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, như: mô hình cho vay tạo việc làm của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Đắk Mil, các thành viên Hợp tác xã Công Bằng, mô hình tái canh cà phê xen cây ăn trái khác ở Đăk Mil, mô hình trồng tiêu ở Đăk Song, mắc ca ở Tuy Đức, mô hình trồng rau, hoa ở phường Nghĩa Phú... Qua đó không chỉ giúp người dân tạo mới và duy trì việc làm, mà còn giúp tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho lao động khi được tiếp cận nguồn vốn vay…
Đến nay, nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người lao động về công tác giải quyết việc làm, tự tạo việc làm ở Đắk Nông đã được nâng lên; các chính sách hỗ trợ tạo việc làm được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện hiệu quả./.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48