Theo khảo sát của nhóm Dự án, tộc người Đan Lai chỉ có tại huyện Con Cuông (Nghệ An) với 77 hộ có tổng số 3.307 người, trong đó có 1.308 trẻ em, chiếm 39,5%, sống chủ yếu ở đầu nguồn, khe suối, tách biệt các dân tộc khác tại các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê, Thạch Ngàn và Lạng Khê. Đặc biệt, tộc người Đan Lai sống tập trung chủ yếu trong rừng sâu, bản Co Phạt, Khe Quặng (xã Môn Sơn), ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, thuộc vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Vì sống gần như tách biệt với các dân tộc khác nên có hiện tượng hôn nhân cận huyết thống dẫn tới tình trạng kém phát triển về thể chất, trí tuệ, tuổi thọ, bảo tồn nòi giống và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Những năm qua, tộc Đan Lai cũng được hưởng các chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo Quyết định 571 và Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 280 về “Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với cộng đồng tộc Đan Lai. Tuy nhiên, qua 10 năm tổ chức thực hiện Quyết định 280, đời sống của người Đan Lai vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét, trên thực tế, Quyết định 280 chỉ tập trung giải quyết vấn đề tái định cư, riêng nhóm 39,5% trẻ em tộc Đan Lai chưa được đề cập sâu.
Do tộc người Đan Lai sống sâu trong rừng với nhiều hủ tục lạc hậu nên tộc này đang đứng trước nguy cơ suy kiệt giống nòi và cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt để giúp người dân nơi đây thay đổi nhận thức. Đặc biệt là hỗ trợ trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện bởi trẻ em Đan Lai hôm nay là tộc người Đan Lai ngày mai.
Báo cáo của UBND huyện Con Cuông cho thấy, có trên 230 trẻ em Đan Lai chưa được đi học, số được đến trường giảm dần theo từng cấp học và dễ có nguy cơ bỏ học giữa năm để giúp bố mẹ làm kinh tế, nhất là vào chính mùa măng là mùa làm duy nhất trong năm của phụ nữ ở đây. Việc hạ tầng cơ sở còn hạn chế, đường xá đi lại trong rừng, cách rất xa trường học... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến con đường đến trường của trẻ em ngày càng khó khăn hơn.
Nhận ra vấn đề cấp bách của tộc người Đan Lai, đặc biệt là những thiệt thòi của trẻ em, được sự ủng hộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sau khi đã tìm hiểu nguồn gốc của tộc Đan Lai, rà soát lại việc thực hiện các chính sách hiện hành đối với trẻ em, đã hình thành nhóm dự án và mời chuyên gia xây dựng khung dự án hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em tộc người Đan Lai.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ em tộc người Đan Lai nhằm giúp cho các em có đủ điều kiện sống, học tập, vui chơi, phát triển cả thể chất và tinh thần, hội nhập và góp phần bảo tồn tộc người thiểu số Đan Lai. Theo đó, dự án được xây dựng trên các nhóm quyền cơ bản của trẻ em và phù hợp với sứ mệnh, nhiệm vụ, đối tượng tác động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: Hỗ trợ trẻ em tộc người Đan Lai được sống, tồn tại và sống khỏe mạnh; thực hiện quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ khỏi bị tất cả các hình thức lạm dụng, bị sao nhãng và bóc lột; Quyền được tham gia.
Trong khuôn khổ hội thảo, sau khi các chuyên gia trình bày khung dự án, các đại biểu đến từ Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Biên phòng... đã có nhiều ý kiến thiết thực đóng góp để hoàn thiện mô hình này. Vấn đề các đại biểu chia sẻ tập trung bổ sung, hỗ trợ nhóm dự án làm rõ vấn đề, có hướng tiếp cận cụ thể hơn đối với mỗi hoạt động dành cho trẻ em tộc Đan Lai
Thứ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao Dự án hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em dân tộc Đan Lai là một hướng đi mới mang tính dài hơi và toàn diện của Quỹ nhằm huy động nguồn lực để cùng Nhà nước chăm lo cho trẻ nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng tốt hơn. Đồng thời Thứ trưởng cũng khẳng định tính cấp thiết của dự án nhằm bảo vệ tộc người thiểu số Đan Lai trước nguy cơ suy kiệt giống nòi. Tuy nhiên, nhóm dự án phải rà soát lại mục tiêu cụ thể, tránh chồng chéo về mặt chính sách, yêu cầu căn cứ xây dựng các hoạt động/chương trình phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, đồng thời, việc phân công hoạt động cần cụ thể, rõ ràng vì liên quan đến nguồn ngân sách và kinh phí hỗ trợ của các nhà tài trợ dự án.
Mô hình hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em tộc Đan Lai thành công sẽ là căn cứ để phát triển mô hình ra nhiều nơi, đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. “Phải xác định đây là một đề án thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt ưu tiên trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiệt thòi trong cuộc sống”, TS. Bùi Sỹ Lợi nói./.
Đăng Doanh
-
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
19-11-2024 20:08 22
-
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
19-11-2024 16:12 29
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18