Tháng Hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Chủ đề Tháng Hành động năm nay là “Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, hướng tới mục tiêu kêu gọi toàn xã hội lên tiếng và hành động nhằm bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ để các em được sống trong môi trường an toàn, có cơ hội phát triển toàn diện.
Tháng Hành động vì trẻ em năm nay có ý nghĩa thiết thực hơn nữa khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Ngày 16/5, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Việc bổ sung, sửa đổi pháp luật về quyền trẻ em đã hoàn thiện thêm một bước. Quan điểm tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước với các công ước, điều ước quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta
Điểm đáng lưu ý là Nghị định quy định 05 trường hợp trẻ em được coi là bị xâm hại tình dục, cụ thể: trẻ em bị hiếp dâm; trẻ em bị cưỡng dâm; trẻ em bị giao cấu; trẻ em bị dâm ô; trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại nghị định này cũng tương ứng với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là các tội: hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).
Nghị định 56 cũng quy định, trẻ em bị xâm hại tình dục được bảo mật thông tin trong suốt quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác khi có hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Mọi thông tin được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và trẻ em có liên quan. Khi phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ trẻ em bị xâm hại thì tổ chức, cá nhân phải báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567 hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, cơ quan công an các cấp, hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin. Khi tiếp nhận được thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cần được bảo vệ khẩn cấp thì các cơ quan chức năng phải thực hiện việc can thiệp trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ kể từ khi nhận được thông tin. Trong đó, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã là tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn xã; phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em.
Trước đây, chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND các xã không có người chuyên trách và chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Nghị định 56 quy định rất chi tiết việc này. Theo đó, các địa phương đều phải phân công một cán bộ chuyên trách tiếp nhận và xử lý thông tin về trẻ em. UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc là nơi tiếp nhận thông tin về trẻ bị xâm hại đầu tiên. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cụ thể như: Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ, can thiệp; kiến nghị Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thay đổi của cá nhân trẻ em và mức độ an toàn của môi trường trẻ em đang sinh sống; Kết nối dịch vụ, hoạt động trên địa bàn xã hoặc yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài địa bàn; vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia hỗ trợ.
Đối với trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, chủ tịch UBND cấp xã phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp, hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ…
Đăng Doanh
-
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
19-11-2024 16:12 29
-
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
18-11-2024 15:03 39
-
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
23-09-2024 12:15 30
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50