Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tạo việc làm ổn định
Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 biến động khó lường làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của Hội. Nhưng với sự quyết tâm và thực hiện đúng chức năng của tổ chức Hội nhằm mang lại quyền lợi chính đáng cho hội viên phụ nữ trong tỉnh, các cấp hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT và Quỹ TYM để giúp hội viên được vay vốn khởi nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống kinh tế.
Các cấp hội cũng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn, người lao động và sử dụng lao động nắm bắt Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn chủ động tiếp cận với Ngân hàng CSXH trên địa bàn để làm thủ tục vay vốn. Ngoài ra, các cấp hội cũng tham gia thực hiện giám sát việc thực hiện Nghị quyết 68 đảm bảo việc thực hiện chính sách đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Kịp thời thông tin về các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng, trục lợi chính sách để xử lý theo quy định.
Nhiều mô hình hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ trong tỉnh đã và đang được triển khai
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh Nam Định đã phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để đề xuất với Trung ương và địa phương xem xét bổ sung nguồn vốn. Phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, Trung ương để tập huấn kiến thức về phát triển kinh tế trong tình hình mới cho hội viên. Đặc biệt, tăng cường phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó quan tâm đến lao động nữ bị mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19.
Cùng với việc đảm bảo phòng, chống dịch, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các cấp các ngành tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, kinh doanh phù hợp với thực tế trong tình hình mới cho thành viên Hội đồng quản trị, thành viên các Hợp tác xã/Tổ hợp tác/Tổ liên kết (HTX/THT/TLK) và nữ lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 về các kiến thức livestream bán hàng, kiến thức chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh… Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, các ngân hàng, tổ chức tài chính rà soát các đối tượng để hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương cho công nhân, cho hội viên phụ nữ bị mất việc do ảnh hưởng Covid-19 có nhu cầu sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp. Duy trì việc tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" hàng năm để thúc đẩy hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công và tổ chức các gian hàng để trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp nhằm mở rộng kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp.
Đơn cử, đến nay, nguồn ủy thác của các tổ chức tín dụng cho phụ nữ Nam Định vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh qua tổ chức Hội phụ nữ đã có tổng dư nợ gần 2.800 tỷ đồng (tăng 1.100 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), mang lại lợi ích cho 385.901 hộ gia đình phụ nữ. Chỉ riêng hoạt động xây dựng nhóm phụ nữ tiết kiệm (5.246 nhóm, tổng số tiền hơn 309 tỷ đồng) đã giúp 295.516 phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế trong tỉnh được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Các ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả của phụ nữ đều được Hội hỗ trợ về tinh thần, nguồn vốn thực hiện. Nhiều phụ nữ ở Nam Định đã vươn lên thoát nghèo, làm chủ, đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, chủ nhân của nhiều sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm)…
Ngoài việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp nữ. Tiêu biểu như: Hội Phụ nữ Hải Hậu phối hợp với Trung tâm giới và phát triển năng lực cho phụ nữ tổ chức các ‘Phiên chợ nông sản’ vào dịp kỷ niệm 8-3 và 20-10 hàng năm. Năm 2020, nhân dịp hưởng ứng Tuần lễ không sử dụng hóa chất trừ sâu, Hội Phụ nữ Hải Hậu đã tổ chức ‘Phiên chợ xanh’ thu hút sự tham gia của hội viên ở 35 xã, thị trấn với 10 gian hàng tập trung giới thiệu các sản phầm nông nghiệp hữu cơ. Hội Phụ nữ các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường tổ chức hội chợ và bố trí các gian hàng giới thiệu, kết nối sản phẩm cho hội viên. Các cấp Hội tăng cường việc ký kết nhận ủy thác vay vốn của các tổ chức tín dụng Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Quỹ TYM.
Tuy nhiên, vấn đề việc làm cho hội viên phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mô hình phụ nữ khởi nghiệp của phụ nữ chưa bền vững, việc kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp cũng không đơn giản. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn ở Nam Định phải rời bỏ làng quê, di cư ra đô thị tìm kiếm việc làm hoặc phải đi làm ăn xa vẫn không giảm, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Trước thực trạng đó, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội làm tốt công tác tuyên truyền cho hội viên về Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư khởi nghiệp; vận động hội viên mạnh dạn, chủ động, tích cực tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế tại địa phương; duy trì, nhân rộng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi; xây dựng trang web, gian hàng giới thiệu, kết nối các sản phẩm của hội viên khởi nghiệp sáng tạo nhằm quảng bá thương hiệu của sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài nước./.
Minh Anh