Hội Người Mù Nam Định: Hỗ trợ người khiếm thị chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập
(LĐXH) Để giúp người khiếm thị cải thiện cuộc sống, Hội Người mù tỉnh Nam Định và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm..., qua đó người khiếm thị có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hội người mù tỉnh Nam Định hiện có hơn 3.000 hội viên. Trước kia, sản xuất tăm tre là một trong những nghề tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở làm tăm tre của người khiếm thị còn khó khăn về cơ sở vật chất. Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu thủ công nên chất lượng không đồng đều, hình thức mẫu mã đơn điệu. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại tăm tre mẫu mã đa dạng chất lượng nên sản phẩm tăm tre của người khiếm thị dần mất đi chỗ đứng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm dựa vào sự ủng hộ của các cơ quan, trường học trên địa bàn nên không ổn định. Trong khi đó, giá cả thị trường ngày càng lên cao gây khó khăn cho nghề sản xuất tăm tre của người khiếm thị.
Hội Người mù huyện Vụ Bản có 1 cơ sở sản xuất tăm tre. Trước kia, cơ sở có hơn 20 lao động có việc làm ổn định quanh năm, với mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày một lao động có thể sản xuất được từ 2.000 đến 3.000 chiếc tăm. Sản phẩm tăm tre làm ra được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, người làm tăm không phải lo về đầu ra. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cơ sở làm tăm tre của Hội người mù huyện chỉ còn duy trì mỗi năm 2 vụ vào đầu năm học và giữa năm học. Mỗi vụ làm tăm tre kéo dài khoảng 2-3 tháng bởi việc tiêu thụ nhờ vào sự ủng hộ của các trường học trên địa bàn. Số lượng lao động của cơ sở giảm hẳn so với trước kia, chỉ còn 4-5 người/vụ với mức thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Những lao động trước kia sống dựa vào nghề làm tăm tre đã được Hội người mù huyện tạo điều kiện cho đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt và được vay vốn từ Quỹ quốc gia để phát triển kinh tế. Hầu hết những lao động trẻ, có sức khỏe không làm nghề tăm tre nữa mà chỉ có những người lớn tuổi, sức khỏe yếu mới tiếp tục theo nghề. Chị Nguyễn Thị Miền, hội viên Hội người mù Vụ Bản đang làm việc tại cơ sở sản xuất tăm tre của Hội cho biết: “Tôi gắn bó với nghề làm tăm tre đã lâu. Mặc dù nghề làm tăm hiện gặp nhiều khó khăn do đầu ra cho sản phẩm hạn chế nhưng vì sức khỏe của tôi không tốt nên tôi vẫn cố gắng theo nghề”.
Hội Người mù Hải Hậu hiện có 1 cơ sở sản xuất tăm tre. Trước kia, cơ sở cũng tạo việc làm cho gần 20 lao động. Sản phẩm tăm tre thời gian đầu được làm thủ công; từ việc làm sạch nguyên liệu, chẻ nhỏ đến sấy khô, đóng gói. Những chiếc tăm vẫn còn góc cạnh, thô ráp nhưng đầu ra luôn ổn định. Sau một thời gian, những chiếc tăm được cải tiến hơn với 2 đầu vót nhọn và phần thân tăm được cho vào máy mài mòn cho nhẵn. Mỗi năm, cơ sở xuất bán được khoảng 2,4 tấn tăm, lợi nhuận thu về khoảng 300 triệu đồng. Sau đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cơ sở sản xuất tăm tre của Hội Người mù huyện chuyển hướng sản xuất từ làm tăm thường sang làm tăm VIP (loại tăm được mài nhẵn, nhỏ hơn trước). Tăm sau khi sấy khô, tẩy trùng được đóng hộp thay vì đóng gói như trước kia. Để giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, Hội Người mù huyện đã tổ chức ký kết bán tăm cho các trường học trong huyện, đồng thời vận động những hội viên có đưa bán cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn và tích cực đi bán dạo tại các khu dân cư để tạo thêm thu nhập. Nhưng hiện nay, trên thị trường các sản phẩm tăm tre đa dạng với nhiều hình thức, chủng loại khác nhau, mẫu mã bắt mắt... khiến sản phẩm tăm tre của người khiếm thị dần bị mất chỗ đứng. Tăm tre của người khiếm thị huyện Hải Hậu cũng chỉ sản xuất theo thời vụ, một năm sản xuất 2 đợt và chỉ còn “trông chờ” vào thị trường tiêu thụ là các nhà trường. Trung bình mỗi tháng hội viên hội người mù Hải Hậu làm tăm có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người, không đủ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Trước thực trạng đó, để tháo gỡ khó khăn cho người khiếm thị Hội người mù tỉnh đã mở các lớp học xoa bóp, bấm huyệt, học tin học văn phòng, chữ nổi…; đồng thời đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên có đủ sức khỏe chuyển từ làm tăm sang phát triển các nghề xoa bóp, bấm huyệt, chăn nuôi... Trong năm 2020, Hội Người mù tỉnh đã triển khai chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia cho 7 dự án đầu tư chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Đến nay các hội viên sử dụng vốn vay phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, có thu nhập khá, đời sống được nâng lên, đều trả gốc, lãi theo đúng quy định. Nhờ được học nghề, vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm, tăng thu nhập./.
Thanh Hương
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08