Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước đó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, thời gian học, sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định; do vậy họ có thể hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo khả năng và nguồn lực (thời lực, tài lực, sức khỏe, v.v.) của mình.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đưa ra đánh giá tổng quát về phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “Theo tôi được biết tín chỉ là một phương thức quản lý người học bằng công nghệ từ các nước Âu Mỹ cách đây 40 năm và du nhập vào Việt Nam được 20 năm trở lại đây, tuy nhiên chưa được quan tâm lắm. Có thể nói đây là một hình thức học tập đạt hiệu quả cao và theo kịp các nước trên thế giới. Tôi rất hoan nghênh Khoa Kinh tế đã có sáng kiến này. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi mặt để chào đón hệ thống tín chỉ đến với hoạt động đào tạo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...”
TS Nguyễn Thị Thu Hà – nguyên chuyên viên cao cấp – Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra những ý kiến tổng quan về đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Ở Việt Nam Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu rõ: “ Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và nước ngoài”. Theo chủ trương của Bộ GDĐT, năm 2011 là hạn cuối cùng để các trường liên quan phải chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thí điểm ở một số trường đại học trên cả nước, có không ít những vấn đề đặt ra. Vì vậy, sau khi tổng kết rút kinh nghiệm khi thực hiện Quy chế 43 thì Bộ GDĐT ban hành Quy chế số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế số 43 và có văn bản Hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/4/2014 hợp nhất 2 Quy chế 43 và 57...”
TS Lê Tuấn Hiệp – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh – Bộ Tài Chính nói về kinh nghiệm đào tạo theo tín chỉ của Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh: “... Đào tạo theo học chế tín chỉ không phải là vấn đề mới trong giáo dục của nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cùng với nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước, Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ bắt đầu từ năm 2010 áp dụng cho khóa cao đẳng chính quy K43. Tính đến nay, nhà trường đã và đang đào tạo theo học chế tín chỉ cho 5 khóa cao đẳng và 6 khóa đại học...”
GS.TS Tô Xuân Dân – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế đã nêu ra vai trò của giảng viên trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nếu như sinh viên được lấy là trung tâm của quá trình đào tạo thì giảng viên lại là lực lượng quyết định toàn bộ quá trình tổ chức và triển khai thành công phương pháp đào tạo này. Giảng viên cần thay đổi quan niệm về đào tạo, dẫn đến thay đổi về phương pháp dạy học. Ngoài ra giảng viên cần phải được chuẩn bị đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm phù hợp với tinh thần của nền sư phạm tích cực, phải thay đổi định kỳ giáo trình và đầu tư nhiều thời gian vào việc tự nghiên cứu sinh viên...”
Ths Nguyễn Thị Kim Chi – Phó bộ môn kinh tế học quản lí là một người có rất nhiều kinh nghiệm về công tác cố vấn học tập ở các trường Đại học, chị Kim Chi chia sẻ: “...Tiêu chuẩn cố vấn học tập là GVCH có ít nhất 2 đến 3 năm trực tiếp giảng dạy, am hiểu về chương trình đào tạo, có năng lực, thái độ tốt , nhiệt tình đối với công tác hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên. Cần được đào tạo các kiến thức chung về chương trình học, bổ sung kỹ năng, thông thạo hệ thống máy tính phục vụ đào tạo tín chỉ của nhà trường. Tùy theo từng trường mà đưa ra tiêu chí và thường là các giảng viên trẻ đảm nhận...”
Với những tham luận và những ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00