Hơn 17.000 vị trí việc làm dành cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến 7 tỉnh, thành phố
(LĐXH) Ngày 16/12/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội) tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối thị trường lao động 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hải Dương.
Tiếp nối kết quả đã đạt được qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối giữa các tỉnh thành trong thời gian qua, từ 8 giờ ngày 16/12/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến được tổ chức tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (gồm Sàn 215 Trung Kính, Sàn 144 Trần Phú và 13 sàn vệ tinh) đồng thời kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến này có sự tham gia của 98 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với gần 17.496 chỉ tiêu tuyển dụng, đa dạng các ngành nghề trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố.
Riêng tại hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội có sự tham gia của 35 doanh nghiệp với 1.210 chỉ tiêu tuyển dụng, vị trí việc làm đa dạng ngành nghề. Đặc biệt có trên 500 chỉ tiêu tuyển dụng lao động làm việc part time. Các chỉ tiêu tuyển dụng tập trung vào những vị trí: Nhân viên thu ngân,Quản lý sản xuất, Kỹ thuật sản xuất, Chăm sóc khách hàng, Công nhân sản xuất, Lễ tân... Mức lương dành cho người lao động dao động từ 5 đến trên 20 triệu đồng/tháng.
Thống kê tuyển dụng các doanh nghiệp cho thấy, phân theo trình trình độ, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị cần tuyển trên 7.200 vị trí lao động phổ thông; Trên 4.500 vị trí trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và gần 6.000 vị trí trình độ cao đẳng, đại học.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Bên cạnh kết nối với 6 sàn của các tỉnh, thành khác, thì từ sàn Trung tâm của Hà Nội cũng kết nối với 14 điểm sàn vệ tinh tại các quận huyện trên địa bàn. Vào dịp cuối năm này nên lĩnh vực tuyển dụng nhiều nhất là thương mại dịch vụ chiếm gần 40%; Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, siêu thị, may mặc, bảo hiểm, y tế… Trong số này, đến gần một nửa là làm thời vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung chủ yếu là vị trí góp giỏ quà Tết, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân…
Bà Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên nhân sự hệ thống siêu thị Mẹ và Bé Con Cưng cho biết: Đơn vị cần tuyển gần 100 vị trí lao động cho các cửa hàng trên hệ thống tại các tỉnh thành, mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, số lao động đáp ứng yêu cầu còn ít.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng tổ chức Công ty Cổ phần Vang Thăng Long cho biết: Công ty cần tuyển 30-40 lao động thời vụ với mức tiền công 200.000 đồng/ngày và 1 bữa trưa. Các năm trước chỉ cần đăng tuyển trên mạng xã hội đã có rất nhiều ứng viên, năm nay đăng ký tuyển qua sàn, vị trí tham gia ứng tuyển ít. Doanh nghiệp khó khăn tìm lao động phổ thông.
Theo ông Vũ Quang Thành, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng đáp ứng đơn hàng cuối năm. Do đó, bên cạnh kết nối trực tuyến giữa các tỉnh thành, Trung tâm tiếp tục kết nối thường xuyên lao động làm bảo hiểm thất nghiệp, lao động đăng ký tìm việc làm mới để kết nối cung cầu việc làm cuối năm.
Trước đó, vào tháng 10 và 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành (Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc); Kết quả đã có 156 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với 16.971 chỉ tiêu tuyển dụng.
Trong đó tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội có 61 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 2.025 chỉ tiêu. Cũng tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội đã có 1.544 lượt người lao động được tư vấn việc làm, phổ biến chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thị trường lao động. Đồng thời đã có 1.061 lượt lao động được kết nối phỏng vấn online; 430 người lao động được tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng.
Theo ông Vũ Quang Thành, việc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến là nhằm hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự bảo đảm nguồn nhân lực để phát triển kinh doanh và sản xuất. Đồng thời, trung tâm hỗ trợ người lao động có cơ hội tìm hiểu thông tin thị trường lao động và được tiếp xúc với nhà tuyển dụng để lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của bản thân.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thị trường lao động thành thị với nông thôn từ đó góp phần xây dựng thị trường việc làm của Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố lần này chính là cơ hội cho người lao động bị nghỉ việc, mất việc làm, thay đổi công việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhanh chóng tìm được việc làm, quay trở lại thị trường lao động, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến còn cho thấy sự phù hợp, kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để đáp ứng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng tối đa nguồn cung và nguồn cầu của các tỉnh.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48