HSE - Bác sĩ của ngành Môi trường trong doanh nghiệp
(LĐXH) - Hiện nay, ngành An toàn, Sức khỏe và Môi trường (hay còn được biết đến như HSE, EHS hay SHE) là ngành hoạt động vì sức khỏe và sự an toàn của người lao động, của cộng đồng và sự phát triển bền vững của môi trường, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật cũng như bảo vệ danh tiếng của doanh nghiệp, đang được học sinh quan tâm và lựa chọn trước ngưỡng cửa đại học.
Ngành học HSE ngoài các kiến thức nền tảng về môi trường, người học sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu liên quan đến quản lý an toàn và sức khỏe cho người lao động, bao gồm: Độc học và sức khỏe nghề nghiệp; Y sinh học và bệnh nghề nghiệp; An toàn hóa chất và cháy nổ; Quản lý nguồn lực và quan hệ lao động; Hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường; Tâm sinh lý lao động và Ergonomics; Quan trắc môi trường lao động; Đánh giá công trình; Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro,… Ngoài ra, sinh viên có cơ hội cao tham gia các khoá thực tập ngắn hạn tại doanh nghiệp trong nước và trao đổi sinh viên ở các quốc gia có hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học như hợp tác của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với một số đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng đồng Châu Âu…
PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, Trường ĐHKH – Đại học Huế chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Bảo
Để trao đổi các thông tin liên quan đến quản lý HSE và năng lực phân tích dữ liệu môi trường, Hội thảo “Nâng cao năng lực đánh giá dữ liệu môi trường và quản lý HSE” do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường Miền Trung (CRET) và Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế phối hợp với Công ty Vinabook đồng tổ chức tại Bệnh viện 199 – Bộ Công An, thành phố Đà Nẵng vào tháng 4/2022.
“Thực trạng quản lý HSE trong các công ty và doanh nghiệp, những giải pháp và thực trạng quản lý HSE tại Việt Nam”, TS Đường Văn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung cho biết: “Trong số 7.242 doanh nghiệp sở hữu trên 200 lao động, có tới 1.419.434 người lao động đang làm việc tại 1.676 cơ sở có yếu tố nguy hại, nguy hiểm; trong đó có 506.624 người tiếp xúc trực tiếp với yếu tố nguy hại, nguy hiểm. Một số yếu tố có hại vẫn ít được quan tâm, nhất là trong 5 năm trở lại đây, chẳng hạn tỷ lệ số mẫu được đo các yếu tố vi khí hậu chỉ 8,6%; phóng xạ và điện từ trường 23,25%; tiếng ồn 16,53%; ánh sáng 12,04%”.
Thực trạng trong Quản lý HSE cũng được xem là vấn đề trọng tâm và đáng để suy ngẫm nhằm tìm ra những cách thức trong công tác đào tạo nhân lực, “Cứ 15 giây, trên thế giới lại có một người lao động bỏ mạng vì tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp. Mỗi năm, có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, 100.000 trường hợp ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Riêng khảo sát ở Việt Nam ở 37 xã mang tên Làng ung thư đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư” [Nguồn: Tạp chí Lao động Xã hội].
Từ những vấn đề trên, PGS.TS Hoàng Công Tín – Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học chia sẻ: Chương trình đào tạo cử nhân An toàn, Sức khỏe và Môi trường (HSE) tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế được xây dựng dựa trên những nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn xã hội khi yêu cầu về trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động tại các doanh nghiệp ngày một chặt chẽ hơn.
PGS.TS Hoàng Công Tín – Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐHKH – Đại học Huế báo cáo chương trình đào tạo thạc sĩ HSE tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Bảo
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tiếp và làm việc với với đoàn Đại sứ quán Italia tại Việt Nam với các chương trình hợp tác và đạo tạo ngành môi trường. Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ quán Italia tại Việt Nam nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa hai bên không chỉ về lĩnh vực học thuật mà còn tập trung các giải pháp tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… hướng đến phát triển bền vững
PGS.TS Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tiếp và làm việc với với đoàn Đại sứ quán Italia tại Việt Nam
Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị hàng đầu đào tạo nhân lực trong ngành Tài nguyên Môi trường. PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hà cho biết: “Hơn 10 năm qua, với phương châm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Tài nguyên và Môi trường, Khoa Môi trường luôn chú trọng chương trình đào tạo nhân lực thành các kỹ sư, cử nhân trở thành “Bác sĩ môi trường” có khả năng phòng ngừa, chẩn đoán và chữa trị khi môi trường có dấu hiệu “không khoẻ” để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về môi trường cũng như phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Khoa Môi trường cũng luôn đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành HSE tiệm cận với thế giới như chương trình hợp tác với các đại học lớn ở Châu Âu và Hoa Kỳ”. PGS.TS. Lê Minh Đức – Phân viện trưởng, Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường Miền trung (CNIOSH) đã chia sẻ cùng hội nghị với các vấn đề nghiên cứu và đào tạo về nhân lực cho HSE. Đây là một lĩnh kết hợp các ba yếu tố An toàn – Sức khoẻ - Môi trường. HSE sẽ quản lý sức khoẻ, an toàn cho người lao động trên nền tảng giữ gìn và phát triển môi trường bền vững. Với tiếp cận rất văn hoá, nhân văn, HSE hướng đến một mục tiêu là không có tai nạn lao động, kiểm soát được nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động và bảo vệ môi trường. CNIOSH hoạt động với các mục tiêu trên, đã hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo với các Trường Đại học ở khu vực miền Trung về HSE, như nghiên cứu bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường lao động, các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động, đánh giá rủi ro, phân loại điều kiện lao động…. Nguồn lực HSE chắc chắn trong tương lai sẽ là nguồn lực quan trọng, cần thiết cho các doanh nghiệp, nhà máy trong tình hình mới – hội nhập sâu rộng với thế giới. Ngoài ra, HSE còn là nghề của sự tử tế.
PGS.TS. Lê Minh Đức, Viện trưởng - Phân viện CNIOSH trao đổi, triển khai nghiên cứu về an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng
Nhu cầu thị trường
Theo quy định của Bộ Lao động và Thương binh xã hội thì tất cả các doanh nghiệp đều cần có chuyên viên phụ trách về an toàn, sức khỏe và môi trường nghề nghiệp do quá trình lao động luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ thiếu an toàn. Chính vì vây, công việc HSE ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết tại nhiều công ty.
Việt Nam hiện tại có hơn 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ; và yêu cầu phải có chuyên viên chịu trách nhiệm bảo hộ lao động (theo Thông tư liên tịch số 01/2011- TTLT-BLĐTBXH-BYT).
Thêm vào đó, pháp luật và chính sách hiện nay về lao động ngày càng được thắt chặt hơn (đặc biệt về an toàn và vệ sinh lao động, cùng với hiệp định hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT) và hệ thống quản lý ISO 14001 (Hệ thống quản lý môi trường doanh nghiệp), ISO 45001 (Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp) đòi hỏi sự có mặt của cán bộ HSE mọi lúc mọi nơi.
Trên xu hướng đó, hầu hết các doanh nghiệp đều cần cán bộ HSE để quản lý, giám sát tất cả các hoạt động theo quy định và quy trình an toàn – sức khỏe nghề nghiệp - bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn HSE hiện tại vẫn rất khan hiếm.
Do tính cấp thiết của việc thực thi hiệu quả các công việc HSE, nên hàng năm nhiều hội thảo liên quan đến sức khỏe, an toàn lao động, môi trường được quan tâm tổ chức bởi các cơ quan chức năng, ban ngành trong cả nước.
Ông Phạm Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung Tây Nguyên thảo luận và chia sẻ tại hội thảo- Ảnh: Hoàng Bảo
Có thể khẳng định rằng cơ hội việc làm của ngành HSE hiện đang rất rộng mở. HSE đang trở thành một hướng đi mới trong việc lựa chọn ngành nghề ở các doanh nghiệp, đặc biệt ở các công ty lớn và đa quốc gia với môi trường làm việc năng động và mức lương khá hấp dẫn.
Triển vọng nghề nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành HSE có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí sau:
- Các doanh nghiệp, khu công nghiệp (bộ phận an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, bộ phận quản lý chất lượng môi trường);
- Công ty tư vấn môi trường (đánh giá tác động môi trường, các giải pháp an toàn lao động và bảo vệ môi trường);
- Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ/Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội, Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Cảnh sát Môi trường, Trung tâm Qquan trắc Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường…);
- Các cơ quan nghiên cứu và đào tạo (các viện nghiên cứu về môi trường, các trường đại học, cao đẳng...);
- Chuyên viên/chuyên gia tại các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức quốc tế.
Sinh viên ngành HSE được trang bị các kĩ năng chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Nhân viên HSE là người trực tiếp thực hiện cũng như giám sát tất cả các hoạt động tuân theo quy định và quy trình an toàn – sức khỏe – môi trường, của các doanh nghiệp.
– Tư vấn xây dựng hệ thống, quy chế và quy trình về công tác quản lý, bảo đảm an toàn – sức khỏe – môi trường theo đúng các quy định liên quan của nhà nước, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
– Chịu trách nhiệm quản lý các giấy phép và báo cáo, ví dụ đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, nội quy an toàn lao động, báo cáo tai nạn lao động, đo kiểm môi trường lao động, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố an toàn hóa chất…
– Khi xảy ra các sự cố, chuyên viên HSE là người phải thực hiện điều tra các vụ tai nạn trong công việc hay bệnh nghề nghiệp; Từ đó xác định đúng nguyên nhân và tìm cách giải quyết các sự việc đó.
– Tham mưu, đề xuất và áp dụng những thiết bị công nghệ tiên tiến hay các giải pháp khoa học để phục vụ một cách hiệu quả công tác bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Lương ngành HSE
Về mức lương, cán bộ an toàn lao động (HSE) có khoảng lương phổ biến vào khoảng 10 – 13 triệu đồng/tháng. Khi đã có nhiều kinh nghiệm và đảm nhiệm vị trí quản lý HSE tại các công ty, tập đoàn lớn, chuyên viên HSE sẽ có mức lương rất hấp dẫn, từ 17 – 50 triệu đồng/tháng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực đánh giá dữ liệu môi trường và quản lý HSE” - Ảnh: Hoàng Bảo.
Từ những thực tế trên, có thể thấy rằng (i) Nâng cao năng lực đào tạo trong lĩnh vực HSE và (ii) Phát triển nguồn nhân lực HSE là rất cấp thiết đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.. Quản lý HSE không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm thiểu rủi ro sức khoẻ người lao động tuân thủ pháp luật về y tế, môi trường, lao động và xã hội.
Hiểu biết và thực hiện hiệu quả công tác Sức khỏe – An toàn – Môi trường trên quy mô toàn quốc không chỉ là yêu cầu đối với các cơ quản lý, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất – kinh doanh, mà còn là đối với mỗi người dân nhằm đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.
Hoàng Đức Bảo
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47