Hưng Yên: Đẩy mạnh cho vay vốn giải quyết việc làm
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo được cải thiện cuộc sống, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội, có quốc lộ số 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Diện tích tự nhiên là 931 km2; dân số hơn 1,25 triệu người (trong đó dân số thành thị chiếm 12,3%); mật độ dân số là 1.222 người/km2 và số dân trong độ tuổi lao động chiếm 51%. Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 01 thị xã, 08 huyện) và 161 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường, 08 thị trấn và 139 xã).
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội đạt được kết quả khá toàn diện. Số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 năm 2018 là 9.953 hộ nghèo, chiếm 2,55% tổng số hộ; 10.766 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,76% tổng số hộ.
Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và ở mỗi địa phương. Giai đoạn 2016-2020, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo; qua đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực tham gia, hỗ trợ đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo được cải thiện cuộc sống, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Căn cứ kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Hàng năm tích cực trình NHCSXH TW chuyển nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hơn 8%/năm. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 2.724.137 triệu đồng, tăng 680.942 triệu đồng, tỷ lệ tăng 33,33% so với 31/12/2015. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.110.411 triệu đồng, chiếm 77,47% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 544.293 triệu đồng, chiếm 19,98% tổng nguồn vốn; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 69.433 triệu đồng (trong đó: Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 55.677 triệu đồng; nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện là 12.376 triệu đồng; nguồn vốn từ các tổ chức Hội, Đoàn thể cấp xã là 1.380 triệu đồng), chiếm tỷ lệ 2,55% tổng nguồn vốn.
Giai đoạn 2016-30/6/2019: Doanh số cho vay đạt 2.888.781 triệu đồng với 108.339 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 2.211.551 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 28.130 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 13.868 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 7.368 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 31 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; góp phần xây dựng 99.672 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 834 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và 197 căn nhà cho người có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Vốn vay của NHCSXH giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Các hoạt động lồng ghép các chương trình vay vốn của NHCSXH với các chương trình, dự án giúp thay đổi nhận thức của người dân, họ đã biết chủ động tính toán, biết đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đến 30/6/2019, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.714.957 triệu đồng, với 80.788 khách hàng còn dư nợ.Trong đó: Dư nợ cho vay hộ nghèo là 325.704 triệu đồng, với 7.437 khách hàng còn dư nợ; Dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 267.053 triệu đồng, với 6.081 khách hàng còn dư nợ; Dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo là 988.786 triệu đồng, với 22.097 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần đẩy lùi hoạt động tín dụng “đen”, ổn định chính trị và an ninh, quốc phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động tín dụng CSXH phát huy hiệu quả thiết thực trong cuộc sống nguồn vốn tín dụng CSXH được tăng cường, khơi thông, giúp cho người nghèo tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,81% năm 2015 xuống còn 2,55% năm 2018; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 4,08% năm 2015 xuống còn 2,76% năm 2018.
Theo Lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh Hưng Yên, để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố hàng năm chuyển nguồn ngân sách sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tập trung các nguồn vốn thực hiện chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH. Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm, xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn dân đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả cao. Mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức điều tra đối tượng thụ hưởng và quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, các đối tưởng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH, nâng cao chất lượng Điểm giao dịch nhằm giúp nhân dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Cùng với đó, tỉnh củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV. Làm tốt công tác tuyên truyền và tham gia thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư... giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Để chính sách tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định, đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm. Mở rộng đối tượng cho vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đối với hộ nông nghiệp có mức sống trung bình, đồng thời nâng mức cho vay lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Bổ sung chương trình cho vay đối với đối tượng là hộ nông nghiệp có mức sống trung bình. Mở rộng đối tượng cho vay chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ nông nghiệp có mức sống trung bình và nâng mức cho vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay lên 100 triệu đồng/lao động.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho NHCSXH tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ghi bổ sung ngân sách hàng năm để chuyển sang ủy thác NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch huyện, thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác và hỗ trợ kinh phí để mua sắm công cụ, phương tiện phục vụ, nâng cấp trụ sở làm việc nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH./.
Minh Anh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48