Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện Văn Chấn (Yên Bái) nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm
11:15 AM 16/06/2020
(LĐXH)- Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, huyện Văn Chấn đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động nên đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, Văn Chấn có trên 70.000 người trong độ tuổi lao động. Để nâng cao nguồn lực lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng bám sát vào nhu cầu và thị trường lao động, liên kết giữa đào tạo với đơn vị sử dụng lao động.
Thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp địa phương đa dạng hóa các loại sinh kinh tế (Ảnh minh họa)
Từ năm 2015 đến đầu năm 2020, huyện đã mở trên 700 lớp đào tạo nghề cho trên 22.800 lao động, trong đó 71 lớp theo Đề án 1956 với 2.109 lao động nông thôn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. 
Trước đây, ở Văn Chấn việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ chiếm 80% là dạy nghề nông nghiệp và 20% nghề phi nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, đào tạo nghề nông nghiệp giảm xuống còn 60% và nghề phi nông nghiệp nâng lên đạt 40%. 
Công tác đào tạo nghề được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện triển khai khá tích cực từ khâu khảo sát, tuyển sinh, mở lớp, công tác quản lý đến hành chính phục vụ đều được tiến hành đồng bộ đảm bảo đúng đối tượng, quy định, chế độ. 
Học viên học nghề phi nông nghiệp, chúng tôi còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm sau khi học nghề như: Công ty TNHH May Chiến Thắng, Công ty TNHH may KNF, Công ty UNICO, cơ sở sản xuất mây tre đan Hoa Thương… 100% học viên đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Do làm tốt công tác đào tạo nghề nên nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 32,5% năm 2015 lên 54,3% năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80,7%.
Một lớp học nghề thêu thổ cẩm tại xã Phù Nham
Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hàng năm, huyện đã giải quyết việc làm mới cho gần 4.000 lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Mỗi năm có 1.500 lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và cơ cấu lại lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. 
Để đa dạng hóa môi trường đầu tư, phát triển đa dạng hóa các thành phần kinh tế, các mô hình doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, huyện đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động. 
Nhiệm kỳ qua, huyện đã thu hút 5 dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 3.900 tỷ đồng như: Tập đoàn Nippon Zoki Nhật Bản, Thủy điện Thác Cá 1, Thủy điện Sài Lương, Thủy điện Chấn Thịnh, Nhà máy sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia… thành lập mới 61 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã và 432 tổ hợp tác đi vào hoạt động ổn định. 
Hiện nay, lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn chủ yếu từ 40 tuổi trở lên, đội ngũ người lao động trẻ ít tham gia lao động ở địa phương mà chủ yếu là đi lao động và làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh với thu nhập cao hơn. 
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới các cấp, các ngành của huyện sẽ tăng cường khảo sát đánh giá chi tiết nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo; chú trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; tăng cường dự báo về thị trường lao động, việc làm; người lao động phải có trình độ, kỹ thuật tay nghề cao, trang bị kiến thức, hành lang cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc mới; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, bền vững…/.
Hồng Hải
Từ khóa: