Ngày 22-6-2021, ông Nguyễn Tiến Cơi - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn khôi phục sản xuất. Tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Tiến Cơi nói: "Từ giờ đến cuối năm, số lao động ước tính đi làm trở lại chỉ hơn 100.000 người (khoảng 50%) so với gần 200.000 công nhân làm việc trước đó".
Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, có 137 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được hoạt động trở lại. Con số này chiếm 38,1% tổng số doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. Số lao động được đi làm trở lại là hơn 22.000 lao động. Ngoài ra, tỉnh còn cho phép 547 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để bố trí chỗ ở cho công nhân theo hướng ở cả trong lẫn ngoài khu vực sản xuất. Nếu ở bên ngoài, người lao động được ưu tiên ở tại nhà nghỉ, khách sạn, trường học chuyển đổi công năng, khu trọ đảm bảo phòng dịch COVID-19.
Từ ngày 1-7 đến ngày 31-8, trường học là nơi lưu trú tạm thời, sau khi các nhà trọ đã được làm sạch, đảm bảo an toàn để đón lao động về ở.
Chi phí thuê nhà nghỉ, khách sạn, khu trọ bên ngoài do doanh nghiệp chi trả. Những người cùng xưởng, tổ sản xuất... sẽ được sắp xếp ở cùng nhau. Nếu xuất hiện ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, doanh nghiệp không tự bố trí được nơi cách ly tập trung thì các huyện hỗ trợ doanh nghiệp địa điểm cách ly tập trung.
Theo phương án, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng công nhân đang ở khu nhà trọ trên địa bàn, lao động trong tỉnh rồi mới đến người ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho hay, phương án này nhằm giải quyết việc làm tại chỗ vì còn gần 40.000 lao động ngoài tỉnh trong các xóm trọ hoặc đã cách ly tập trung an toàn, được lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần.
"Việc khôi phục sản xuất thuận lợi, cần nhiều công nhân thì Bắc Giang mới tính đến lao động tỉnh ngoài", ông Nguyễn Xuân Ngọc nói.
Tỉnh Bắc Giang cũng nghiêm cấm các chốt kiểm dịch trong tỉnh cản trở lưu thông hàng hóa. Lực lượng trực chốt chỉ yêu cầu lái xe, phụ xe khai báo y tế, đo thân nhiệt, lịch trình di chuyển và số điện thoại liên lạc.
Với xe chở hàng hóa từ Bắc Giang đến tỉnh khác, doanh nghiệp cần lập hồ sơ an toàn COVID-19 cho cả người và phương tiện. Sở Y tế tỉnh sẽ hỗ trợ bộ phận xét nghiệm trả kết quả chậm nhất 24 giờ để lái xe có giấy chứng nhận qua chốt kiểm soát, riêng xe đưa đón công nhân được cấp phù hiệu lưu thông.
Trước đó vào ngày 18-5, Bắc Giang phải tạm dừng hoạt động 400 doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp lớn với gần 140.000 lao động trong bối cảnh bùng phát hơn 400 ca mắc COVID-19. Ước tính, việc tạm dừng 4 khu công nghiệp khiến giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Giang mất 2.000 tỉ đồng/ngày. Với phương án mới, Bắc Giang phấn đấu khôi phục giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.000 tỉ đồng vào tháng 7 và trên 15.000 tỉ đồng vào tháng 11-2021. |
Theo Tuổi trẻ Online
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48