Lao động
Kiên Giang: Nỗ lực hỗ trợ các đối tượng khó khăn do Covid – 19
10:37 AM 03/09/2021
(LĐXH) - Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang, 08 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 7.277 lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 70 lao động nộp hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Trong đó, 7.421 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 108.678.240.000 đồng; 70 người có quyết định hỗ trợ học nghề, với tổng số tiền chi hỗ trợ học nghề theo quyết định là 406.500.000 đồng...
Các cấp các ngành triển khai các chương trình hỗ trợ người ao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 ở Kiên Giang
Phần lớn người lao động đến đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp có độ tuổi từ 24 - 45 tuổi với nguyên nhân nghỉ việc là do hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm hơn 85% tổng số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tập trung vào các nhóm ngành như: May - Giày da - Dệt, Nhà hàng – Khách sạn – Du lịch…
Theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang, phân tích số liệu trên có thể đánh giá: "08 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2020 là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, một số tỉnh, thành phố như Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… lực lượng lao động của Kiên Giang tập trung đông nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố đều thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch bệnh (từ tháng 6/2021) nên lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN tại địa phương nơi làm việc. Mặt khác, Kiên Giang thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 19/7/2021 đến nay nên một số lao động có hạn đăng ký hưởng TCTN còn dài (Quyết định nghỉ việc có thời hạn 90 ngày) họ đợi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ra đăng ký trực tiếp”. Dự kiến trong 03 tháng cuối năm số lao động nghỉ việc về quê đăng ký hưởng TCTN hoặc chuyển hưởng về Kiên Giang có thể tăng khá lớn. 
Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kiên Giang đã nỗ lực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện những nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, ban hành văn bản gửi các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đôn đốc triển khai, lập dự toán, điều chuyển kinh phí… Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, các chính sách hỗ trợ đã phát huy tác dụng giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động và người dân khi mà dịch Covid – 19 diến biến phức tạp…
Tính đến cuối tháng 8/2021, trong số 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Kiên Giang đã thực hiện khá hiệu quả, trong đó nổi bật là hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã trình UBND tỉnh 90 đối tượng với số tiền 368.900.000 đồng (trong đó hỗ trợ bổ sung cho người lao động và trẻ em với số tiền 35.000.000 đồng); các địa phương đã tiếp nhận thẩm định 156 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng.
Tiếp đó, hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật cho 18 đối tượng, với số tiền 66.780.000 đồng. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch cho 27 đối tượng, với số tiền 100.170.000 đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, tại 15/15 huyện, thành phố đã quyết định phê duyệt với tổng số 71.828 đối tượng với tổng số tiền 107.742.000.000 đồng, trong đó đã chi hỗ trợ 54.731 lao động với tổng số tiền 82.096.500.000 triệu đồng…
Hướng dẫn người lao động khai báo nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc  do các địa phương đang thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh về áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống dịch covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, cán bộ xã, phường hiện nay kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phòng chống dịch, tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân; hoặc có một số UBND phường bị phong tỏa, nên công tác triển khai chi trả cho đối tượng được hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra đối tượng được hỗ trợ hiện đang ở khu cách ly, phong tỏa nên chưa thể nhận tiền hỗ trợ…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Kiên Giang đã chủ động có những giải pháp đồng bộ, đồng thời cũng có một số kiến nghị, đề xuất, cụ thể là:
- Đề nghị bổ sung thêm đối tượng là hộ kinh doanh vào nhóm chính sách “Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”, vì theo chính sách hiện tại thì người lao động làm việc trong Hộ kinh doanh là không được hỗ trợ, đồng thời người lao động này cũng không thuộc nhóm lao động tự do. Như vậy thiếu công bằng cho đối tượng này, mặc dù họ cũng đủ điều kiện về hợp đồng lao động, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi cùng thực hiện phòng chống dịch bệnh.
- Tương tự, đề nghị bổ sung đối tượng người lao động thuộc hộ kinh doanh vào nhóm chính sách “Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, vì đối tượng này không khác gì đối với người lao động trong doanh nghiệp, họ vẫn có ký kết hợp đồng lao động, có tham gia BHXH bắt buộc và họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi nghỉ việc theo yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.
- Xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Vì trong điều kiện bình thường, các nhóm đối tượng này đã gặp khó khăn, nay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, làm cho các đối tượng này càng khó khăn hơn trong cuộc sống, rất dễ rơi vào cảnh thiếu, đói.
Nguyễn Hữu Bắc
 
Từ khóa: