Xã hội
Lai Châu: Tập huấn triển khai các nội dung của Luật Trẻ em
05:08 PM 20/07/2017
LĐXH - Căn cứ thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức Plan quốc tế Việt Nam tại Lai Châu và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ về Dự án “Phòng chống trẻ em kết hôn” giai đoạn 2016 - 2019, Ban Dự án đã tổ chức Hội nghị tập huấn về Bảo vệ trẻ em và vận hành hệ thống trẻ em.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu chia sẻ tình hình trẻ em của địa phương

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Lai Châu có trên 145.000 trẻ em, trong đó khoảng 10.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm cả việc ban hành nhiều chính sách, kế hoạch như phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Kế hoạch Bảo vệ trẻ em tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo tổ chức hoạt động tết Trung thu, Tết thiếu nhi 1/6; ban hành các văn bản phát động quyên góp ủng hộ quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh... song đến thời điểm này, Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, phát triển kinh tế chưa bền vững, sản xuất nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Toàn tỉnh có 06/8 huyện, thành phố nằm trong những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và có 62 xã đặc biệt khó khăn, 555 thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là 40,4% tương đương với 36.094 hộ nghèo và 8.982 hộ cận nghèo, tập trung ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.  Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật ở Lai Châu còn hạn chế, chủ trương xã hội hóa nguồn lực cho trẻ em chưa được quan tâm, thúc đẩy và nguồn vận động Qũy Bảo trợ trẻ em chỉ đáp ứng cho vận hành bộ máy. Đội ngũ công tác viên trẻ em còn mỏng, chủ yếu dựa vào cộng tác viên dân số. Do đó, công tác trẻ em của địa phương vẫn mới thể hiện qua các chỉ tiêu giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ.

Theo ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu, vấn đề lớn nhất của trẻ em hiện nay là tỷ lệ trẻ ra lớp còn khó, do phụ thuộc nhiều vấn đề, trước hết là do sinh kế của gia đình theo mùa vụ, điểm trường ở xa, thêm nữa việc kết hôn sớm làm ảnh hưởng rất nhiều đến học tập cũng như tương lai của các em, nhất là trẻ gái. Trước thực tế đó, việc hỗ trợ của Plan cũng như chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công tác trẻ em thông qua nội dung tập huấn lần này, sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em của địa phương cũng như để đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn cho các địa phương.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các ban ngành, đoàn thể, đóng góp ý kiến đa chiều về thực trạng công tác trẻ em trên toàn địa bàn

Trên thực tế, để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của người dân, nhất là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ tháng 8/2016, Tổ chức Plan đã triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em tại một số xã thuộc huyện Phong Thổ và Sìn Hồ. Trong khuôn khổ hoạt động, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ thiết lập, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em các cấp, kết nối với các tổ chức, địa phương liên quan; giao ban nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương liên quan; tổ chức các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, quyền trẻ em và pháp luật liên quan đến kết hôm sớm; truyền thông cho trẻ em về sức khỏe sinh sản vị thành niên và hậu quả của việc kết hôn sớm... Qua gần một năm hoạt động, Dự án đã đạt được một số kết quả theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Làm việc theo nhóm để thảo luận các tình huống giả định có liên quan đến trẻ em

Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Trẻ em đã chuyển tải các nội dung cơ bản nhất của Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2017); Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Đặc biệt, các báo cáo viên đã tình bày và hướng dẫn cụ thể quy trình hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại (quy định tại Điều 52 của Luật và Chương 3 của Nghị định 56). Việc khẳng định quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin và trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội các cấp, cơ quan Công an các cấp và UBND nơi xảy ra vụ việc) giúp cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở và đội ngũ cộng tác viên nắm rõ, cụ thể hóa các trách nhiệm của mình trong các vụ việc liên quan.

Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến của cán bộ cơ sở, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga đề nghị Lai Châu tiếp tục rà soát lại 14 nhóm trẻ em để có cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ nhất. Cục Trẻ em sẽ định hướng tài liệu truyền thông nhưng để phù hợp với cán bộ và đồng bào dân tộc, địa phương cần tìm hướng tốt nhất, thích hợp nhất. Riêng đối với việc tổ chức Diễn đàn trẻ em là nội dung được quy định cụ thể tại Luật Trẻ em, do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tích cực tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn chi theo Luật Ngân sách để các hoạt động liên quan đến trẻ em đều được triển khai theo đúng luật định./.

Đăng Doanh

 

Từ khóa: