Lao động
Lâm Đồng: Chú trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
03:10 PM 15/06/2020
(LĐXH) Trong năm 2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có 6.046 người được hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng. Chính sách trợ cấp thất nghiệp đã giúp cho nhiều lao động ổn định cuộc sống, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, tính đến tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh có 3.496 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tổng số người giao kết hợp đồng lao động, làm việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 78.846 người. Không chỉ được hưởng chính sách trợ cấp BHTN, người lao động còn được tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề. Đây là cách nhằm tạo điều kiện cho người thất nghiệp tiếp cận một cách tốt nhất về thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tích cực để người sử dụng lao động tiếp cận với người thất nghiệp để tuyển lao động.
Trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn cho 308 người không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm 2018 là 168 người; tư vấn việc làm cho 6.471 người, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2018 kà 6.005 người; đã giới thiệu việc làm cho 428 người và tư vấn giới thiệu việc làm cho 106 lao động tham gia học nghề. Số lượng người thất nghiệp đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2019 là 6.123 người, tăng 4,89% so với năm 2018. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.046 người, tăng 5,49%.
Tư vấn việc làm cho người lao động (ảnh minh họa)
Người lao động thất nghiệp chủ yếu do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012 chiếm 86,17%; Mất việc làm do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu... chiếm 4,26%; hết hạn hợp đồng, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 2,53%; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải theo quy định chiếm 0,39% và còn lại mất việc làm do nguyên nhân khác chiếm 6,65%. Về trình độ, lao động thất nghiệp không có bằng cấp chứng chỉ chiếm 51,31%, lao động thất nghiệp có trình độ đại học và trên đại học chiếm 22,29%; lao động thất nghiệp nhiều nhất là lao động giản đơn chiếm 69,57%, lao động nữ thất nghiệp nhiều hơn nam là 897 người. Doanh nghiệp có lao động nghỉ việc nhiều nhất là Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Công ty TNHH May Royal Family, Công ty xây dựng đường bộ 2 Lâm Đồng...
Để tạo điều kiện cho người động thụ hưởng chính sách theo quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện tốt quy trình phối hợp với Sở Lao động - TBXH, Bảo hiểm xã hội tỉnh trong công tác giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người thụ hưởng, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát qua đó kịp thời chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với những đối tượng rơi vào các trường hợp phải tạm dừng, tiếp tục và chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp; Đồng thời phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, thu thập thông tin, dữ liệu bổ sung để hoàn thiện các tiêu chí đánh giá bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; Chủ động tìm kiếm, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để có thông tin về khóa học nghề, danh mục đào tạo nghề, trình độ đào tạo nghề để tư vấn cho người lao động có nhu cầu, với các ngành nghề chủ yếu như: Lái xe, kế toán doanh nghiệp, nấu ăn...
Song song với đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ đơn vị; tập huấn nghiệp vụ và thực hiện qua các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế... Tiếp tục mở rộng liên kết với nhiều cơ sở dạy nghề để có nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan lao động, bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động để tuyên truyền hướng dẫn thực hiện tốt pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm còn trực tiếp đến doanh nghiệp để xác minh, đối chiếu thẩm định hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp liên quan có việc làm mới của người thụ hưởng tại doanh nghiệp để kịp thời ra quyết định chất dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động không tự giác cung cấp hợp đồng lao động. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh để giải quyết thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định.
Chính sách BHTN nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong thị trường lao động, được thực hiện từ ngày 1-1-2009 và quy định rõ trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến nay, về cơ bản chính sách BHTN đã hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Số người mong muốn tham gia BHTN ngày càng nhiều. Để hoàn thiện chính sách, trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Cục Việc làm tham mưu sửa đổi, bổ sung các điều khoản quy định trong Nghị định 28/2018/NĐ-CP và Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg cho phù hợp với thực tế hiện nay. Hỗ trợ phần mềm kết nối dữ liệu giữa các mảng hoạt động của Trung tâm nhằm khai thác chung dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm và kết nối dữ liệu với ngành Bảo hiểm xã hội để phục vụ tốt hơn công tác giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện Luật Việc làm, Bộ luật Lao động (đặc biệt là các quy định liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp) ở các doanh nghiệp sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi nghỉ việc./.
Hồng Phượng
 
 
 
Từ khóa: