Lâm Đồng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH)-Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên là 9.773,54 km2 với tổng dân số trên 1,3 triệu người thuộc 43 dân tộc. Tính đến 30/6/2020, Lâm Đồng có 785.912 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động bao gồm: 778.934 người có việc làm và 6.978 người thất nghiệp (giảm 2.901 người so với 31/3/2020). Trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh, nữ giới chiếm tỷ trọng thấp hơn nam giới (48,7% nữ giới so với 51,3% nam giới). Tỷ lệ thất nghiệp chung tại thời điểm 30/6/2020 là 0,89%, tăng so cùng kỳ 0,03% và so với thời điểm 31/12/2019 tăng 0,15%, nhưng so với cuối tháng 3/2020 giảm 0,37%. Lực lượng lao động so với cuối năm 2019 tăng 8.506 người, trong đó lao động đang làm việc tăng 7.266 người.
Với mục tiêu góp phần tích cực ổn định thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực và trợ giúp người lao động ổn định việc làm, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động.
Thực hiện Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016 – 2020, hằng năm, Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành Kế hoạch cụ thể về việc ghi chép, cập nhập và khai thác thông tin cung, cầu lao động trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính thực hiện hướng dẫn về việc sử dụng và thanh toán kinh phí theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức tập huấn cập nhật thông tin cho toàn bộ điều tra viên trên địa bàn tỉnh. Đối với việc cập nhật dữ liệu cung lao động thì điều tra viên là các trưởng thôn; cập nhật cơ sở dữ liệu cầu lao động thì điều tra viên là cán bộ phòng việc làm, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở và cán bộ của Phòng LĐTBXH các huyện, thành phố. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (TTDVVL) cập nhập vào phần mềm về thông tin thay đổi của các hộ gia đình và doanh nghiệp do các huyện, thành phố bàn giao.
Trong những năm qua, TTDVVL đã tiến hành nhiều giải pháp thực hiện thông thị thị trường lao động, trong đó tích cực thu thập thông tin cầu và cung lao động qua nhiều hình thức và từ nhiều nguồn thông tin. Với những thông tin sau khi đã thu thập, Trung tâm tiến hành tổng hợp phân tích xử lý dữ liệu đầu ra bằng cách xác minh kiểm chứng tính hợp lệ, các số liệu chạy bằng phần mềm chắp nối cung, cầu tự động phân theo trình độ và nhóm ngành. Dựa trên cơ sở dữ liệu chính xác về cung, cầu lao động, Trung tâm tiến hành cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động qua, kết nối cung, cầu lao động qua các hoạt động khác nhau đồng thời đưa ra những nhận định dự báo ngắn hạn hàng quý, 6 tháng và năm về thị trường lao động theo trình độ, ngành nghề nhằm giúp người lao động có định hướng nghề nghiệp, việc làm phù hợp, các doanh nghiệp nắm bắt cơ cấu nguồn lao động địa phương, cơ sở đào tạo có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu sử dụng của xã hội. Từ những hoạt động tích cực trong xác định thông tin thị trường lao động, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 2.647 lượt lao động đăng ký tìm việc, 1.919 lượt doanh nghiệp tuyển dụng qua hệ thống Trung tâm. Số việc làm trống thu thập được: 9.199 người (4.645 nữ).
TTDVVL tỉnh cũng tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về lao động, việc làm. Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, có 26.427 lượt lao động và 5.239 lượt học sinh được tư vấn chính sách, 8.770 lượt lao động được giới thiệu việc làm, 79 thôn/khu phố với 477 hộ gia đình được cán bộ Trung tâm đến tư vấn trực tiếp. Cũng riêng trong 6 tháng năm 2020, số lao động đã qua sơ tuyển 30 lao động; số lao động đã xuất cảnh và trúng tuyển chính thức: 19 lao động. Cùng với đó, Trung tâm cũng tổ chức được 3 lớp tiếng Nhật tạo nguồn XKLĐ năm 2019, đạt 100% kế hoạch và trong 6 tháng 2020 tổ chức được 1 lớp.
Đặc biệt, Trung tâm đã đa dạng các hình thức tổ chức Phiên giao dịch việc làm (GDVL) để thu hút lao động như Phiên GDVL định kỳ, Phiên GDVL lưu động; phối hợp với TTDVVL Đồng Nai tổ chức Ngày hội việc làm giữa hai tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 20120, Trung tâm đã mở rộng tổ chức các Phiên GDVL trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thuận lợi trong phỏng vấn, kết nối việc làm. Số PGDVL được tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2020 là 27 phiên, số lượt lao động được tư vấn tại Phiên: 711 người; số lượt lao động được tư vấn việc làm: 711 người.
Ngoài ra, trong những năm qua, TTDVVL tỉnh đã tham mưu cho Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng ký quyết định cho hàng nghìn lao động được thụ hưởng các chế độ BHTN. Riêng trong 06 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tiếp số lượng người thất nghiệp đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 4.042 người, số lao động tham gia học nghề chiếm 1,78% trên tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hoạt động tư vấn việc làm của Trung tâm cũng tích cực tăng 49,09% so với cùng kỳ, đơn vị đã giới thiệu việc làm cho 501 người, tăng 163,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Lâm Đồng, nhu cầu vốn để đầu tư chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường sống để tạo việc làm là rất lớn. Vì vậy, Lâm Đồng cũng đặc biệt chú trọng tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động có vốn làm ăn, tự tạo việc làm. Bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh. Đồng thời chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm. Trong 05 năm (2015-31/10/2019), doanh số cho vay là 343.054 triệu đồng, với 10.090 dự án (Mức vay bình quân 34 triệu đồng/01 lao động), đối tượng đầu tư chủ yếu cho vay các dự án lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, buôn bán nhỏ, đã tạo việc làm mới cho 20.180 lao động có công ăn việc làm ổn định. Tổng dư nợ đến 30/06/2020 là 259.288 triệu đồng/7.133 khách hàng, tăng 179.681 triệu đồng so với năm 2014, chiếm 7,33% trong tổng dư nợ.
Thông qua việc cho vay vốn trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay đã giúp cho trên 20.180 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ rất nhiều đối tượng lao động yếu thế như người khuyết tật, lao động nữ, dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đến nay, nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm của địa phương đạt 102.326 triệu đồng, góp phần bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay đối với lao động tại địa phương.
Song song đó, Lâm Đồng cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Qua 05 năm, doanh số cho vay các dự án qua Hợp tác xã 2.605 triệu đồng/59 lượt khách hàng. Dư nợ 1.351 triệu đồng/30 khách hàng. Trong đó: dự án cho vay cơ sở kinh doanh của người khuyết tật hợp tác xã đan len Nhân Ái, Hữu Hòa, Quý Anh vay 800 triệu đồng đã giải quyết cho 55 lao động là người khuyết tật của địa phương; dự án của Hợp tác xã Quý Anh với cơ sở bóc tách hạt điều vay 500 triệu đồng giải quyết việc làm cho trên 15 lao động, góp phần tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho hộ vay. Thông qua các dự án vay vốn đã khôi phục và phát triển ngành nghề tại địa phương như: nghề thổ cẩm Cát Tiên, nghề đan len tại Đà Lạt...; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa; góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Xác định công tác xuất khẩu lao động là một mũi nhọn trong giải quyết việc làm, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH phối hợp tích cực với cơ quan LĐTBXH và các ban ngành để cho vay đúng đối tượng, tạo thuận lợi cho hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động được vay vốn để chi trả các khoản chi phí khi đi xuất khẩu lao động. Chi nhánh đã thường xuyên thông tin tuyên truyền về chương trình cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Ngoài nguồn vốn trung ương, NHCSXH tỉnh còn cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Doanh số cho vay từ năm 2015 đến 30/06/2020 là 13.236triệu đồng/266 lượt khách hàng vay vốn (Mức vay bình quân đối với 1 lao động là 49,76 triệu đồng). Ngoài việc cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động, những gia đình có thành viên trong gia đình đi xuất khẩu lao sau khi về nước còn được NHCSXH cho vay vốn để đầu tư sản xuất với số tiền 9.579 triệu đồng/312 lượt hộ vay. Nhìn chung, người lao động đi nước ngoài làm việc ở nước ngoài đã có thu nhập tăng lên đáng kể, thay đổi được nhận thức, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tích lũy được kinh nghiệm và khi trở về nước đã tham gia lao động sản xuất kinh doanh có năng suất, chất lượng công việc cao hơn.
Bên cạnh các hoạt động trên, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài và công tác quản lý hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn. Tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 04 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Nhìn chung các đơn vị này có tư cách pháp nhân đầy đủ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, các giải pháp giải quyết việc làm đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả như: Dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động; tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm (tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ); điều tra nắm bắt cung cầu lao động, nâng cao chất lượng thông tin thị trường lao động và đặc biệt là hỗ trợ cho vay vốn để giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động … Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, bình quân mỗi năm Lâm Đồng giải quyết việc làm cho trên 28 ngàn lao động và xuất khẩu lao động khoảng 600 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48