Thời sự
Làng nước mắm Nam Ô hối hả vào Tết
09:23 AM 09/02/2018
Dọc đường làng, mùi mặn mòi đặc trưng của nước mắm thoảng dậy hương vị Tết. Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) hình thành từ hơn trăm năm trước, nằm bên cửa sông Cu Đê dưới chân đèo Hải Vân. Công thức chế biến hoàn toàn thủ công từ lâu đời đã tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.
Sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết
Vào mùa Tết, các hộ gia đình làm mắm Nam Ô lại bận rộn cho việc lọc và chiết mắm để kịp cho các đơn đặt hàng Tết. Các thương lái và người dân ở các vùng lân cận đổ về để thu mua. Không chỉ bán sỉ và bán lẻ, nước mắm Nam Ô còn được cung ứng cho các siêu thị và trưng bày ở các Hội chợ triển lãm Làng nghề. Giá dao động từ 60-80 ngàn đồng/lít. Đây là món quà Tết được nhiều người ưa chuộng để gửi về phương xa cho gia đình, người thân.
Nguyên liệu chủ yếu để làm mắm là cá cơm than được đánh bắt tại biển Nam Ô. Để có được một mẻ mắm thơm ngon cho dịp Tết, từ tháng 3 âm lịch người dân đã mua cá cơm và muối ủ. Hộ gia đình bà Huỳnh Thị Mười (60 tuổi) mỗi năm bán ra thị trường gần 2.000 lít nước mắm. “Nước mắm ở đây luôn nguyên chất loại 1, hoàn toàn không có chất bảo quản hay chất hóa học. Mỗi công đoạn tôi đều bảo quản rất kỹ lưỡng, tránh gió, mưa và nhiệt độ làm ảnh hưởng tới chất lượng của mắm” - bà Mười cho biết.
Bà Huỳnh Thị Mười chăm chút công đoạn lọc mắm
Bà Ngô Thị Tân, hộ làm mắm Nam Ô, chia sẻ: “Làm mắm cũng có cái khó, đó là phải canh đủ ngày đủ tháng mới đem ra lọc, nếu chưa chín mà lọc thì sẽ đổi màu, mắm cho ra sẽ không ngon”.
Theo những hộ gia đình có nghề làm mắm ở đây, khoảng ngày 15-20 tháng Chạp là thời điểm khách đặt và mua hàng gần hết. Tại làng Nam Ô chỉ còn khoảng hơn 100 hộ dân sản xuất nước mắm. Từ năm 2006, thương hiệu mắm truyền thống Nam Ô đã được kiểm định và cấp mã vạch bản quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2017 toàn phường tiêu thụ khoảng 35.000-40.000 lít nước mắm.
Giữ gìn thương hiệu mắm truyền thống
Các hộ gia đình làng mắm luôn tâm niệm phải giữ gìn cho được làng nghề truyền thống của tổ tiên, giữ được hương vị nồng nàn của thương hiệu Nam Ô. Trong khi nhiều nơi sử dụng công nghệ hiện đại để làm mắm thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm truyền thống từ bao đời nay. Từ năm 2006, chính quyền đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khôi phục làng nghề và vay vốn. Vốn vay cao nhất lên đến 20 tỷ đồng và cấp lu muối mắm cho người dân.
Trước đây, Nam Ô có hơn 200 hộ làm nước mắm nhưng dần dần nghề thủ công này đã bị mai một, bởi sự lấn át của nước mắm công nghiệp. Ông Ngô Tấn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Năm 2017, Sở  Công thương thành phố đã hỗ trợ 2 máy lọc mắm có công suất gấp 20 lần so với làm thủ công trị giá 90 triệu đồng cho 2 hộ gia đình, trong đó có gia đình ông Trần Ngọc Vinh - Hội trưởng Làng nghề nước mắm Nam Ô”.
Ông Sơn còn chia sẻ thêm về việc hiện nay nhiều người có xu hướng quay về với nước mắm truyền thống bởi độ nguyên chất và trong sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Đó là một tín hiệu vui cho làng nghề nước mắm Nam Ô cũng như các làng nghề nước mắm truyền thống ở Việt Nam. Từ nhiều năm nay, nước mắm Nam Ô đã trở thành món quà Tết thú vị của nhiều người xứ Quảng.

Trong khi nhiều nơi sử dụng công nghệ hiện đại để làm mắm thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm truyền thống từ bao đời nay. Từ năm 2006, chính quyền đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khôi phục làng nghề và vay vốn. Vốn vay cao nhất lên đến 20 tỷ đồng và cấp lu muối mắm cho người dân.

Theo tienphong.vn

Từ khóa: