Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội quan tâm thực hiện đồng bộ, tích cực, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với việc triển khai đầy đủ các chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch và các chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ công tác giảm nghèo; giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, đầu tư hạ tầng cơ sở…
Phát triển cây chè giúp hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) thoát nghèo bền vững
Bên cạnh đó, Lạng Sơn còn quan tâm dành một phần ngân sách để thực hiện các nội dung đối ứng vốn tín dụng, xây dựng hạ tầng cơ sở, thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù, bảo đảm sử dụng vốn huy động đúng mục đích, đối tượng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng an toàn khu, khu vực biên giới.
Đến nay, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân tham gia vào công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo đã có chuyển biến tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 25,95% xuống còn 7,88%, bình quân giảm 3,61%/năm…
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất ở Lạng Sơn thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đa số người nghèo còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn.
Một số nơi giữ tập quán canh tác cũ, lạc hậu; các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún; sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra, chưa tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị… Do đó, hiệu quả thoát nghèo gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế bền vững cho người nghèo còn thấp. Việc xây dựng, áp dụng chuẩn nghèo, bình xét, công nhận hộ nghèo ở một số địa bàn còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng xác nhận hộ nghèo chưa thực sự chính xác, khách quan.
Trước thực trên, để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-TU về việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện hơn nữa trong công tác giảm nghèo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Giải quyết cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn, đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới; trước hết là hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân.
Về mục tiêu cụ thể, Lạng Sơn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (riêng các huyện nghèo giảm trên 5%/năm) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú.
Thạch đen - cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại một số địa phương ở Lạng Sơn đã giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng
100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở y tế.
Tỉnh phấn đấu 100% trẻ em thuộc hộ nghèo từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi được đi học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; 95% hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi được tham gia các khóa đào tạo hoặc được cấp chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng. 85% hộ nghèo sống trong ngôi nhà thuộc loại bền chắc (trong ba kết cấu chính là tường, cột, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu bền chắc) và có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8m2 trở lên.
Lạng Sơn cũng đã đề ra mục tiêu có 99% trở lên hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phấn đấu 50% hộ nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. 98% trở lên hộ nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông và 100% hộ nghèo có phương tiện, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Đặc biệt, Nghị quyết số 47/NQ-TU đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện nghèo thoát nghèo; đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Chí Tâm