Ngày 9/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Làng Trẻ em SOS Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lẵng hoa chúc mừng Làng Trẻ em SOS Việt Nam. Ông Helmut Kutin, Chủ tịch danh dự và ông Siddhartha Kaul, Chủ tịch đương nhiệm Làng trẻ em SOS quốc tế, các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đến dự sự kiện này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất và hoa lưu niệm cho Chủ tịch và Giám đốc Quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, từ 02 dự án ban đầu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay chúng ta có gần 70 dựa án tại 17 tỉnh/thành phố và trở thành quốc gia đứng thứ ba trong 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động của Làng trẻ em SOS. Qua 30 năm, các làng trẻ em đã trực tiếp nuôi dưỡng 5.969 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Trong số này, có 2.861 cháu trưởng thành, hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, 806 cháu đã lập gia đình riêng. Chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng đã hỗ trợ tài chính cho các gia đình nuôi trẻ mồ côi để phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục được sống cùng với người thân, tiếp tục học tập, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bỏ nhà lao động sớm, tránh được nguy cơ rơi vào tệ nạn xã hội. Tất cả các con số chỉ mang tính cơ học nhưng qua những kết quả các làng trẻ đạt được, không thể không ghi nhận về công sức, trí tuệ và cả mồ hôi và nước mắt của 310 bà mẹ, bà dì cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Gần 6000 trẻ em đã và đang được nuôi dưỡng, tạo điều kiện tối đa về học tập
giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện
Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017, Luật quy định rõ bốn quyền của trẻ em, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động của Làng trẻ em SOS về chăm sóc thay thế khi trẻ bị bỏ rơi. Nhà nước và các cộng đồng, tổ chức đoàn thể có trách nhiệm chăm sóc nhằm đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha, mẹ đẻ, vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Song song với các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS, Việt Nam cũng thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em. Sau 25 năm đi vào hoạt động, Quỹ đã huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ cho gần 30 triệu lượt trẻ em mồ côi, khuyết tật, bị bệnh tim và nhiều hoàn cảnh khác. Đến thời điểm này, cả nước còn hơn 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế với mục đích sẽ có nhiều hơn nữa các cháu có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc theo mô hình gia đình thay thế.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Làng trẻ em SOS Việt Nam trong 30 năm qua
Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Việt Nam đã khẳng định sự hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Làng trẻ em SOS quốc tế trong thời gian qua là rất hiệu quả, ông cũng đánh giá cao và gửi lời chúc mừng về những thành tích, những phần thưởng cao quý mà cán bộ, giáo viên, các bà mẹ, bà dì của làng trẻ đã đạt được trong 30 năm qua. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống Làng trẻ SOS Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Làng trẻ em SOS Việt Nam cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đúc rút kinh nghiệm hay, các mặt mạnh, mặt yếu một cách cụ thể, từ đó có nhiều giải pháp để làm tốt hơn công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với các Làng trẻ em SOS cơ sở cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu, trong đó cần chú trọng trang bị tốt các kiến thức, điều kiện cần thiết cho các cháu trưởng thành hòa nhập xã hội. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước cũng cần nghiên cứu mở rộng hỗ trợ tài chính cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại cộng đồng để ngày càng có nhiều trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng vẫn được sống cùng với gia đình hoặc người thân. Cùng với việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế, Làng trẻ em SOS Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các hoạt động vận động quyên góp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước cho hoạt động của làng. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí cho việc nuôi dưỡng thường xuyên trẻ em trong các Làng trẻ em SOS cơ sở để chia sẻ với những khó khăn hiện nay của Làng trẻ em SOS Quốc tế.
Các tổ chức, cá nhân vinh dự nhận Bằng khen vì có thành tích tốt trong các hoạt động của Làng trẻ em SOS Việt Nam
Với những hoạt động nhân văn, ý nghĩa trong ba thập kỷ qua, Làng trẻ em SOS Việt Nam đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Đồng thời 17 tập thể, 151 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì có thành tích tốt trong các hoạt động của Làng Trẻ em SOS Việt Nam, 38 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội./.
Đăng Doanh
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32