Lao động
Lào Cai: Đảm bảo chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
09:57 AM 18/10/2021
(LĐXH) - Với nhiều lợi ích thiết thực, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành điểm tựa giúp người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai ổn định cuộc sống, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bảo hiểm thất nghiệp giúp ổn định cuộc sống của người lao động
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Hiện khá nhiều doanh nghiệp, công ty lớn tại Lào Cai đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hoạt động rất khó khăn, thiếu việc làm, phải ngừng việc, thu hẹp sản xuất, khiến nhiều người lao động mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai đã thay đổi phương thức giao dịch với người lao động nhằm thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Trong những tháng đầu năm, Trung tâm thực hiện giao dịch trực tiếp và cả gián tiếp. Việc nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng của người lao động... chủ yếu gửi thư bảo đảm qua đường bưu điện. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch khác như: yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách... trong các hoạt động giao dịch trực tiếp. Mặc dù khó khăn song Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai vẫn đảm bảo giải quyết đúng chế độ chính sách, đảm bảo thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ. Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh Lào Cai đã giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.093 lao động, trong đó: hỗ trợ học nghề cho 52 lao động.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai cũng đẩy mạnh tư vấn gián tiếp, tư vấn online để người lao động hưởng chế độ BHTN nhưng nếu có nhu cầu tìm việc làm thì có thể quay lại thị trường lao động trong trường hợp tìm được công việc phù hợp, với 31/27 phiên giao dịch việc làm (đạt 115% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020) được tổ chức trong 9 tháng đầu năm.
Đến nay, với nhiều giải pháp linh hoạt, tích cực, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã làm tốt nhiệm vụ vừa giải quyết chính sách cho các lao động thất nghiệp vừa tư vấn, giới thiệu giúp người lao động trên địa bàn tỉnh tìm được việc làm phù hợp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai
Để tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch 284/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 2269/QĐ 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (viết tắt là người thất nghiệp) được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 60% được giới thiệu việc làm thành công; Tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; Hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội… Giai đoạn đến năm 2030, 90% người thất nghiệp được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 70% được giới thiệu việc làm thành công; Tiếp tục tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia BHTN được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; Liên thông việc thực hiện BHTN của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai với Trung tâm các tỉnh, thành phố trong khu vực và toàn quốc…
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền về BHTN và các chính sách có liên quan; Thực hiện đồng bộ các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo, tiền lương, bảo hiểm xã hội, BHTN; Hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, trong đó chú trọng thực hiện chính sách BHTN đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhằm phát huy vai trò chính sách BHTN là chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm trong quá trình triển khai thực hiện; tổ chức thực hiện BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, liên thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực và toàn quốc; kiện toàn, tổ chức bộ máy, nhân sự tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu người lao động theo hướng tăng cường tính tự chủ, gắn với sự phát triển của thị trường lao động để chia sẻ thông tin dữ liệu.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN, dựa trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, tiến hành đánh giá quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN tại địa phương, đề xuất giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN có tính đến sự liên thông và yếu tố, đặc thù của địa phương, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và các biện pháp hỗ trợ duy trì việc làm; Nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện BHTN sao cho đảm bảo nhân sự thực hiện BHTN đáp ứng tiêu chuẩn vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp của cấp có thẩm quyền quy định, có đủ năng lực và kỹ năng phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thị trường lao động biến động nhanh chóng.
Tăng cường cơ sở vật chất trong việc thực hiện BHTN, đầu tư, phân bổ kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và bố trí đủ số lượng nhân sự để tổ chức các điểm tiếp nhận, giải quyết hưởng các chế độ BHTN; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN, thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động, người lao động trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, quản lý đối tượng tham gia và hưởng BHTN; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN đảm bảo theo quy định Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giao dịch trong lĩnh vực BHTN.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN. Hằng năm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong lĩnh vực BHTN, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi BHTN. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luật kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng được thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN tại các địa phương trong việc rà soát đối tượng tham gia và hưởng các chế độ BHTN nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHTN./.
Minh Hưng
Từ khóa: