Lào Cai giải quyết việc làm cho 10.322 lao động
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai, ước tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 10.322 lao động, đạt 76,5% kế hoạch năm, trong đó có 1.897 lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm.
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2021, dự ước tỉnh Lào Cai giải quyết việc làm cho 938 lao động, trong đó có 52 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 169 lao động, trong đó 05 quyết định hỗ trợ học nghề.
Trong tháng 10, Lào Cai đã tổ chức được 10 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và lưu động tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà với 11 doanh nghiệp và trên 900 lao động tham gia; trong đó có 126 lao động được phỏng vấn, 63 lao động đạt phỏng vấn. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay đã tổ chức 41/27 phiên giao dịch việc làm, đạt 152% kế hoạch năm.
Theo thống kê, lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh Lào Cai là 460.442 người (chiếm 61,7% tổng dân số); lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 448.917 người chiếm 60,2%. Với nguồn cung dồi dào, chất lượng ngày một nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, theo đánh giá, thị trường lao động tỉnh Lào Cai trong tháng 10/2021 vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các hoạt động đã dần ổn định trở lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiể soát có hiệu quả dịch Covid 19”.
Lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh Lào Cai chiếm 61,7% tổng dân số
Hiện tại, tỉnh Lào Cai có khoảng 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng trên 60.000 lao động thuộc các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Trong đó, có 24 doanh nghiệp Nhà nước sử dụng hơn 8.000 lao động, trên 1.600 doanh nghiệp dân doanh sử dụng trên 45.000 lao động; 430 hợp tác xã sử dụng trên 8.000 lao động.
Đến nay, tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 517 doanh nghiệp. Do tác động của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh có 305 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động với trên 20.000 lao động bị ảnh hưởng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020), 42 doanh nghiệp đã giải thể; ngoài ra còn có 14 doanh nghiệp phải thu hẹp, dừng sản xuất một bộ phận với 364 lao động bị ảnh hưởng. Đối với các trường hợp tạm dừng hoạt động, đa số doanh nghiệp đều hỗ trợ người lao động với mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ dịch bệnh, thời gian còn lại sẽ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.
Riêng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai có 129 doanh nghiệp với tổng số 7.281 lao động, trong đó có 114 doanh nghiệp đang hoạt động (7.252 lao động đang làm việc), 01 doanh nghiệp ngừng hoạt động (29 lao động ngưng làm việc).
Hoạt động thương mại tại các khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, song các cơ sở sản xuất được duy trì và hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm tiêu thụ tốt; một số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất cũng đã hoạt động trở lại.
Theo số liệu rà soát, Lào Cai có khoảng 28.389 lao động đi làm việc tại các địa phương, số lao động đã nghỉ việc và trở về địa phương trong tháng 10 là 1.830 lao động, lũy kế đến nay là 13.211 lao động.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn Lào Cai phải đối mặt với nhiều thách thức, nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ du lịch đều hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoạt động; các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khác đều thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động.
Trong số 309 hợp tác xã của tỉnh đang hoạt động, thì số lao động thường xuyên là 6.180 người. Đã có 121 hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể.
Cũng qua rà soát, tỉnh Lào Cai có trên 2.000 lao động tự do bị mất việc làm, thiếu việc làm thường xuyên dẫn đến mất, giảm thu nhập. Những lao động này không được hưởng các chế độ BHXH, thu nhập bấp bênh và các chế độ chăm sóc y tế. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động giúp việc gia đình và lao động tự do, hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động làm thuê tại các bến bãi... Đến nay, đã có 1.454 lao động không có giao kết hợp đồng lao động được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,169 tỷ đồng.
Thời gian tới để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện đào tạo nghề theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động. Liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ lao động của địa phương tìm kiếm được việc làm phù hợp với trình độ và nguyện vọng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách giúp cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo một thị trường lao động phát triển thu hút người lao động có việc làm; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai hỗ trợ lao động trở về địa phương đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm...
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48