Lào Cai tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH)- Những năm qua, Lào Cai đã tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về dạy nghề trên khắp địa bàn tỉnh nhằm giúp người lao động thay đổi tư duy nhận thức về công tác đào tạo nghề, tích cực tham gia đăng ký học nghề để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, tính đến hết năm 2018, hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay có 14 Trường, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường Cao đẳng, 01 Trường trung cấp, 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (11 trung tâm công lập và 01 trung tâm tư thục) và 03 trung tâm có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay tổng số cán bộ, nhà giáo, người lao động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là: 648 người, trong đó: số cán bộ quản lý là 115 người, số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là 533 người (nhà giáo có trình độ từ đại học trở lên là 376 người, chiếm 70,5%; nhà giáo có trình độ cao đẳng, trung cấp là 64 người, chiếm 12%; chứng chỉ nghề: 93 người, chiếm 17,5%). Ngoài ra, có 470 giáo viên thỉnh giảng đã đủ điều kiện tham gia dạy nghề các lớp trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng.
Nhìn chung mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã hình thành và phát triển theo quy hoạch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo cả 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Quy mô, cơ cấu các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Bắc, dân tộc thiểu số chiếm 64,1% dân số toàn tỉnh, trình độ và chất lượng văn hoá thấp (tỷ lệ không biết chữ, tái mù và chưa tốt nghiệp tiểu học cao) nên nhận thức, thái độ, ý thức học nghề của người lao động còn nhiều hạn chế, chưa hiểu thật sự đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề đối với vấn đề tăng năng suất và chất lượng sản phẩm và giải quyết việc làm sau đào tạo; chưa chủ động, tích cực tham gia học nghề. Một số phong tục, tập quán ở địa phương đã ảnh hưởng tới việc học tập của người học. Còn một bộ phận lao động là người dân tộc thiểu số không muốn xa gia đình nên việc học nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động gặp khó khăn. Tâm lý xã hội vẫn còn chú trọng việc học đại học; coi việc học nghề chưa phải là chỗ dựa vững chắc đối với việc lập nghiệp, tìm việc làm và tự tạo việc làm ổn định lâu dài của người lao động.
Việc làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ được giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy người dân tích cực tham gia học nghề, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua, Lào Cai đã tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về dạy nghề trên khắp địa bàn tỉnh nhằm giúp người lao động thay đổi tư duy nhận thức về công tác đào tạo nghề, tích cực tham gia đăng ký học nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đây là giải pháp cơ bản để phát triển không chỉ đối với từng cá nhân, từng gia đình mà còn đối với cả cộng đồng xã hội, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và trong nội bộ từng ngành, đặc biệt là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Học sinh năm cuối của bậc trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Lào Cai được trải nghiệm các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp
Thời gian qua UBND tỉnh Lào Cai đã tăng cường chỉ đạo Sở Lao động – TBXH, các Sở, ban, ngành liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, tư vấn về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng, của đất nước nói chung. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – TBXH, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức triển khai các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, quản lý đối với công tác giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các văn bản hướng dẫn và các chương trình, đề án của tỉnh.
Các cơ quan truyền thông, Báo, Đài phát thanh - Truyền hình của tỉnh thực hiện trên 200 tin, bài phóng sự phản ánh về công tác giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Các tin, bài cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; thông tin về tạo việc làm thông qua các mô hình sản xuất, qua xuất khẩu lao động; phản ánh trình độ tay nghề của người lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới...
Nhờ đó, công tác tuyên truyền, tuyển sinh học nghề, tuyên truyền lợi ích của việc lựa chọn học nghề đến các đối tượng học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh đã được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của công tác phát triển đào tạo, dạy nghề từng bước được nâng lên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh chi tiết theo từng tháng, từng quý; phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT để thực hiện tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT và THCS các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; Treo băng zôn, pano thông tin tuyển sinh tại các trường THPT, trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh; Phát thông báo tuyển sinh của trường trên Đài phát thanh tỉnh; Tổ chức đi khảo sát nhu cầu sử dụng lao động và nhu cầu đào tạo nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã điều tra nhu cầu học nghề của người học, tìm kiếm các đối tác phù hợp với nguyện vọng học ngành nghề của học sinh, sinh viên để phối hợp đào tạo với các đơn vị chủ trì đào tạo và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Các hoạt động này đã giúp công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Có thể nói, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động, sáng tạo, có nhiều hình thức trong công tác tuyển sinh học sinh học nghề cho các cấp trình độ đào tạo của đơn vị.
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, những năm qua, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và đặc biệt là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề tăng tại các trường trung cấp, trường cao đẳng và các cơ sở khác. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt trên 75% góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 – 2018 đã có 62.041 người Lào Cai tham gia học nghề, trong đó: Cao đẳng là 2.953 người, Trung cấp là 10.301 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 48.787 người. Riêng năm 2018, tỷ lệ qua đào tạo là 61,4%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 50,32%, thông qua đó đã đóng góp tích cực vào kết quả giảm nghèo chung trên địa bàn tỉnh (bình quân mỗi năm giảm trên 5%), là nền tảng để tỉnh hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00