Giáo dục - Nghề nghiệp
Long An: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
10:11 AM 06/11/2023
(LĐXH) - Trong 9 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã mở 105 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, có 68 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 1.869 học viên theo học các nghề.

Long An: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Long An, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Long An đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.000 người, trong đó có 10.000 người học nghề nông nghiệp; 10.000 người học nghề phi nông nghiệp. Sau đào tạo, có ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Để đạt được kế hoạch đề ra, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về đào tạo nghề cho lao động nông thông. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp. Phối  hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo, đài trung ương và địa phương xây dựng, duy trì, cập nhật các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động nông thôn, trong đó chú trọng tuyên truyền những mô hình đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, giảm nghèo có hiệu quả, qua đó thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề.

Cùng với đó, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, không chạy theo số lượng. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề; đào tạo nghề cho bộ phận nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Nhiều học viên tham gia học nghề tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Long An đã vận dụng kiến thức vào phát triển kinh tế gia đình thành công

Đặc biêt, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc phòng Kinh tế) và chính quyền cấp xã tổ chức tư vấn, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả… Qua thống kê kê lũy kế, đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Long An đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho gần 10.000 học viên là lao động nông thôn.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở 105 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương. Trong đó, có 68 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 1.869 học viên theo học các nghề như: trồng lúa ứng dụng công nghệ cao; trồng mai vàng, mai chiếu thuỷ; trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả, trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá lóc, nuôi lươn, trồng nấm rơm, trồng chanh ứng dụng công nghệ cao, trồng nấm bào ngư an toàn, thú ý trên gia súc, thú y trên gia cầm, nuôi dê, nuôi ếch, trồng dưa lưới… Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở 37 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp để đào tạo nghề cho 1.015 học viên là lao động nông thôn với các ngành nghề như: nấu ăn, làm rau câu 3D, tiếp thị và bán hàng, trang điểm thẩm mỹ, may công nghiệp, vận hành sửa chữa máy nông nghiệp. Sau khi tham gia các lớp học nghề trên 85% học viên là lao động nông thôn tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm với thu nhập ổn định.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyển sinh mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn. Cùng với đó, chú trọng đào tạo nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Trương Đăng

Từ khóa: